Bức bối tăng phí cao tốc

(BĐT) - Thu phí các tuyến cao tốc không chỉ tính đến việc hoàn vốn cho nhà đầu tư, mà cần phải tính đến sự hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và quyền lợi người dân, doanh nghiệp vận tải. Việc các trạm thu phí “thi nhau tăng mức phí” đang gây bức xúc cho doanh nghiệp (DN) vận tải và người tham gia giao thông.
Tăng phí cao tốc thì DN vận tải sẽ phải tăng phí dịch vụ và “thiệt thòi” cuối cùng sẽ đè lên vai người dân. Ảnh: Tiên Giang
Tăng phí cao tốc thì DN vận tải sẽ phải tăng phí dịch vụ và “thiệt thòi” cuối cùng sẽ đè lên vai người dân. Ảnh: Tiên Giang

“Thi nhau tăng phí”?

Động thái từ đầu tháng này có 2 tuyến đường điều chỉnh mức phí và 1 tuyến đường được đề xuất tăng phí đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong các DN vận tải.

Đầu tiên phải kể đến việc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - Chủ đầu tư Công trình đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng công bố mức phí mới áp dụng từ 1/4. Cũng trong thời gian này, Vidifi điều chỉnh tăng phí 2 trạm BOT trên Quốc lộ 5. Như vậy, theo tính toán, mức phí trên Quốc lộ 5 tăng lên 50%; trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng khoảng 25% so với mức phí trước ngày 1/4.

Trao đổi với báo chí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vidifi cho biết, cao tốc được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động khoảng 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Mức phí được đưa ra theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các bộ, ngành phê duyệt. Nếu không tăng thì phương án tài chính sẽ đổ vỡ, các ngân hàng sẽ phá sản.

Gần đây nhất, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trình văn bản xin phép Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức thu phí đối với các loại xe, tăng thêm 500 đồng/phương tiện/km trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Lý do tăng phí được đại diện VEC cho hay, từ cuối tháng 12/2015, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và hiện đại hóa tuyến đường, VEC đã hoàn thành lớp bê tông nhựa tạo nhám cùng với các hạng mục phụ trợ như: an toàn giao thông, mở rộng trạm thu phí, hệ thống kiểm soát, điều hành giao thông thông minh (ITS) cũng được hoàn thiện đồng bộ với giá trị đầu tư khoảng 590 tỷ đồng, đảm bảo là tuyến cao tốc hiện đại nhất cả nước… Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 21% so với thời điểm đưa tuyến đường này vào khai thác, vận hành, trong khi đó VEC vẫn giữ nguyên mức thu phí như thời điểm bắt đầu đưa dự án vào khai thác giai đoạn 1 (ngày 14/11/2011) là 1.500 đồng/phương tiện/km. 

Doanh nghiệp có ý kiến gì?

Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, việc tăng phí đối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã có lộ trình, được cơ quan nhà nước và nhà đầu tư thông báo rộng rãi để doanh nghiệp và người dân nắm được. Tuy nhiên, mức phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được điều chỉnh trong giai đoạn vừa rồi được ông Tiến cho là “cao so với cuộc sống của người dân”, ảnh hưởng tới đời sống, hoạt động vận tải và kinh doanh của DN. Ông Tiến nhấn mạnh, việc giảm mức phí lưu thông trên các tuyến cao tốc là khó, nhưng làm thế nào để “đừng tăng nữa” là kỳ vọng của nhiều DN.

Tăng phí là giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu, bảo đảm phương án tài chính cho Dự án thì đó là cách làm không minh bạch, “giật gấu vá vai”...
Tuy nhiên, trên thực tế, Vidifi cam kết, đợt tăng phí ngày 1/4/2016 vừa qua sẽ là đợt tăng phí cuối cùng của Quốc lộ 5, sau năm 2016, việc tăng phí sẽ áp dụng theo mức tăng, giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Trả phí cao hơn khi sử dụng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là “cuộc chơi mà tất cả các DN vận tải hành khách phải chấp nhận”, ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long bày tỏ ý kiến và chia sẻ thêm rằng, vận chuyển hành khách là loại “hàng hóa đặc biệt” (đó là con người), nên cần sự an toàn và nhanh chóng. Các khách hàng thì luôn lựa chọn các DN vận tải đi đường cao tốc để di chuyển. Nên đối với DN vận tải hành khách, việc tăng phí của nhà đầu tư thì “chưa chắc DN vận tải đã thiệt hại”, bởi các DN sẽ phải tăng phí dịch vụ và “thiệt thòi” cuối cùng sẽ vẫn là người dân.

Song, ông Vũ Đức Hoàng cho rằng việc tăng phí đối với Quốc lộ 5 là “không hợp lý”. Theo ông Hoàng, nguyên lý hoạt động máy móc của xe container là đi càng chậm thì DN càng tiết kiệm nhiên liệu và bản thân các DN vận tải bằng container cũng không cần đi nhanh. Nên DN có lợi nhuận nhờ sự tiết kiệm đó. Tuy nhiên, mức phí dành cho xe container khi đi qua tuyến đường này vẫn cao, gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của DN vận tải hàng hóa.

Đồng thuận với sự “vô lý” trong việc tăng phí Quốc lộ 5, ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội phân tích, Quốc lộ 5 được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước nên khi tuyến đường này xuống cấp thì phải sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ được thu phí trên đầu phương tiện để sửa chữa, nâng cấp. Nếu như dùng kinh phí từ các trạm thu phí để “bù” cho nhà đầu tư sẽ gây bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật. “Nếu theo giải thích của một lãnh đạo Vidifi rằng đây là giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu, bảo đảm phương án tài chính cho Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì đó là cách làm không minh bạch, “giật gấu vá vai”…” – ông Bùi Danh Liên bày tỏ quan điểm.

Ông Liên cũng cho rằng, việc đóng phí lưu thông qua các tuyến đường ngoài mục đích hoàn lại cho nhà đầu tư nguồn kinh phí đã bỏ ra thì còn phải cân nhắc đến năng lực tài chính, năng lực chi trả của người dân và DN. Nếu cùng lúc tất cả các trạm thu phí đều tăng thì rõ ràng sẽ gây bức xúc cho dư luận xã hội, người dân và các DN vận tải.

Theo thông tin mới nhất, Bộ GTVT chưa chấp thuận đề xuất tăng phí của VEC, do đó chưa có việc thay đổi mức phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tin cùng chuyên mục