Cảnh báo trong quan hệ thương mại, đầu tư với Đài Loan

(BĐT) - Dòng vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây theo xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất để đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng cùng với đó, nhập siêu và những nghi ngại về ô nhiễm vẫn là những nỗi lo lớn.     
Doanh nghiệp Đài Loan xây dựng nhà máy dệt, sợi, nhuộm… tại Việt Nam để đón TPP. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Đài Loan xây dựng nhà máy dệt, sợi, nhuộm… tại Việt Nam để đón TPP. Ảnh: Lê Tiên

Dịch chuyển sản xuất

Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, tính đến tháng 5/2016, xét lũy kế các dự án đầu tư còn hiệu lực, Đài Loan có 2.526 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,2 tỷ USD, đứng hàng thứ 4 trong số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Riêng 5 tháng đầu năm nay, có 51 dự án của Đài Loan được cấp mới và 43 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đạt hơn 845 triệu USD. Phần lớn dòng vốn đầu tư từ lãnh thổ này chảy vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo máy công cụ.

Trao đổi bên lề Triển lãm quốc tế về máy móc công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA VIETNAM 2016, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 5 đến 8/7), ông Hsu Da-Wei, Phó Cục trưởng Cục Thương mại (Bộ Kinh tế Đài Loan) cho rằng, đà tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) Đài Loan hơn bao giờ hết.

Nhiều DN Đài Loan cho biết, họ nhận thấy các nhà sản xuất, là đối tác của họ, đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Thái Lan và Trung Quốc vào Việt Nam. Nhất là các nhà cung ứng máy móc, thiết bị, công nghệ... cho các nhà sản xuất đầu cuối của Đài Loan.

Theo thống kê, riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, các dự án đầu tư của Đài Loan đã phân bổ tại 17/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các DN Đài Loan đã đầu tư vào tổng số 10/21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam.               

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm chủ yếu, và các khâu sản xuất, cung ứng liên quan đến công nghiệp dệt may được nhiều DN Đài Loan rót vốn gần đây. Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM, kể từ khi Việt Nam gia nhập TPP, rất nhiều DN dệt may Đài Loan đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam xây dựng nhà máy dệt, sản xuất sợi, nhuộm... để đón đầu TPP.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, làn sóng này cũng kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bởi vì lĩnh vực dệt nhuộm và ngành phụ trợ dệt may sử dụng nhiều hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao. 

Lo nhập siêu

Các ngành công nghiệp của Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng vẫn đang phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu, phải đến gần 70% các loại máy móc sản xuất Việt Nam phải nhập khẩu, trong đó có một lượng lớn là từ Đài Loan.
Trong giao thương với Đài Loan, hiện nay Việt Nam vẫn ở vị thế nhập siêu. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan 2,09 tỷ USD và nhập khẩu 11 tỷ USD. Riêng quý I/2016, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang lãnh thổ này đạt 471 triệu USD và giá trị nhập khẩu là 2,5 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Đài Loan các mặt hàng nguyên, phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị, phụ tùng, hàng điện tử, sắt thép, xăng dầu… Còn Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan chủ yếu là nông, lâm, thuỷ sản, cao su, giấy, các sản phẩm gỗ, linh kiện…

Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân chủ yếu làm cho nhập khẩu, nhập siêu từ Đài Loan khá cao là do Đài Loan có lượng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đứng hàng đầu, có số lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng xuất khẩu lao động tại đây đông (hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam làm việc tại Đài Loan), giá cả nhìn chung thấp.

Theo Hiệp hội Xúc tiến thương mại Đài Loan (TAITRA), Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ nhất ở khu vực ASEAN trong việc nhập khẩu máy móc công nghiệp nhựa và cao su từ Đài Loan. Xét về kim ngạch xuất khẩu máy móc, công cụ thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trong các quốc gia trên thế giới mà Đài Loan xuất khẩu máy móc.

Ông Hsu Da-Wei cho biết, giá trị xuất khẩu máy móc của Đài Loan vào Việt Nam trong năm ngoái đạt 102 triệu USD, tăng gần 20% so với năm trước đó. Các ngành công nghiệp của Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng vẫn đang phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu, phải đến gần 70% các loại máy móc sản xuất Việt Nam phải nhập khẩu, trong đó có một lượng lớn là từ Đài Loan.

Tin cùng chuyên mục