Chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện

(BĐT) - Tại Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2016, vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2016 ước khoảng 6,17%, lạm phát có thể ở mức 0,73%; xuất khẩu tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2015.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tăng trưởng chậm lại

Báo cáo của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2016 có chậm lại, thấp hơn mức tiềm năng, song mức tăng trưởng này không thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nếu giữ nguyên khai thác dầu thô và khoáng sản khác. Theo CIEM, mức  tăng trưởng GDP 5,46% trong quý I/2016 là phù hợp với thông lệ hàng năm. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, điểm khác biệt của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nông nghiệp tăng trưởng âm, đóng góp của công nghiệp và xây dựng vào tăng trưởng giảm đi. Bên cạnh đó, với trùng điệp rào cản, gánh nặng thuế, phí, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dường như không còn sức sống. Về vấn đề thu, chi ngân sách, đại diện CIEM cho rằng: “Điểm yếu của chi tiêu công Việt Nam là bội chi ngân sách, trong đó có phần của bội chi tiêu dùng gây bất lợi không nhỏ cho tăng trưởng dài hạn. Nợ công Việt Nam liên tục tăng cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN”. “Song hiện chúng ta không nhìn thấy điểm dừng của giảm bội chi, giảm bội chi thường xuyên để tăng chi đầu tư giúp ngân sách ổn định” - ông Cung bày tỏ sự quan ngại.

Một điểm đáng lưu ý khác trong bức tranh kinh tế vĩ mô quý I cũng được Báo cáo CIEM đề cập là chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng cao có phần do điều chỉnh tăng giá thuốc và dịch vụ y tế. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhìn nhận: “Lần điều chỉnh này được thực hiện theo biện pháp hành chính chứ không phải theo yêu cầu của thị trường, phục vụ lợi ích người tiêu dùng, mà chỉ phục vụ lợi ích của khu vực nhà nước cung cấp dịch vụ này”.

Tái cơ cấu dở dang

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế còn “dở dang”, “có phần không thực chất”. Cụ thể là tái cơ cấu đầu tư công chưa khắc phục được một cách cơ bản đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí và thất thoát; chưa phân phối theo nguyên tắc cạnh tranh, thị trường; chưa cải thiện rõ nét hiệu quả đầu tư công. Xử lý nợ xấu mới chỉ là “lấy thảm che rác” chứ chưa quét được rác. Còn các vấn đề cơ bản của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước dường như vẫn còn nguyên trên thực tế, mặc dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra.

Vậy làm thế nào để khơi dậy và tận dụng được hết các tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế quý II cũng như trong dài hạn? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Cung chỉ rõ: “Tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế chính là giải quyết được những điểm yếu trên cơ sở phát huy tốt những điểm mạnh”. Theo ông Cung, hiện điểm yếu của nền kinh tế chính là hệ thống tài nguyên khổng lồ của Nhà nước đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí hoặc dưới dạng “phi sản xuất”; tài nguyên thiên nhiên khai thác kém hiệu quả; cơ hội đầu tư phát triển bị đè nén, kìm hãm; lao động dồi dào nhưng năng suất thấp.

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; ngừng các đợt điều chỉnh các loại dịch vụ bằng biện pháp hành chính, mà thay vào đó là xây dựng thể chế kinh tế thị trường; không điều chỉnh tăng bất cứ một loại thuế, phí nào, trong đó không tăng phí đường bộ; rà soát các khoản mục chi, loại bỏ chi tiêu lãng phí, không cần thiết, kém hiệu quả…

Về dài hạn, chúng ta cần nỗ lực xây dựng thị trường cạnh tranh đầy đủ, hiện đại. Trong thị trường này, doanh nghiệp phải lớn lên bằng năng lực thực sự, chứ không phải bằng ô dù, quan hệ hoặc cơ chế xin - cho.

Tin cùng chuyên mục