Chú trọng đánh giá tác động dự án ODA

(BĐT) - Bộ KH&ĐT dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (NĐ 16) và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số điều của NĐ 16.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Việc chú trọng vào đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội ngay từ khi đề xuất chương trình, dự án để quyết định đầu tư và đánh giá kết quả đầu ra, tác động sau đầu tư đối với dự án đầu tư công nói chung, dự án ODA nói riêng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi bàn về vấn đề đầu tư công tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện trong Luật Đầu tư công đã có những quy định về đánh giá thứ tự ưu tiên của dự án, khi đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, phải đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đối với các chương trình, dự án ODA, việc ban hành Thông tư hướng dẫn này sẽ cụ thể hóa hơn những quy định về lập đề xuất và lựa chọn dự án, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án; quản lý, thực hiện chương trình, dự án; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; giám sát và đánh giá.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư  là, khi lập, lựa chọn và phê duyệt đề xuất chương trình, dự án ODA phải làm rõ hơn 2 tiêu chí: bảo đảm hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường và phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng. Theo đó, khi lập đề xuất chương trình, dự án ODA, cần thuyết minh sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án so với hiện trạng của lĩnh vực dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ khả năng bảo đảm đầu vào (tài chính, con người…) để duy trì hoạt động bền vững của chương trình, dự án sau khi hoàn thành; tiên liệu rủi ro có thể xảy ra về môi trường và dự kiến những giải pháp bảo vệ và khắc phục. Đồng thời, cần chứng minh khả năng bảo đảm giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến trong khuôn khổ hạn mức vốn ngoài nước của kế hoạch đầu tư công trung hạn và cân đối vốn đối ứng của cơ quan chủ quản.

Khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư, Dự thảo Thông tư quy định phải chứng minh ưu thế của vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi so với các nguồn vốn khác; yêu cầu đánh giá sơ bộ hiệu quả và tác động đối với quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa bàn cụ thể; đánh giá khả năng cân đối vốn đối ứng theo nguồn.

Đối với bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự thảo Thông tư cũng nhấn mạnh yêu cầu đánh giá khả năng trả nợ vốn vay của đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và UBND cấp tỉnh trong khuôn khổ hạn mức vay nước ngoài của đơn vị này; hiệu quả, tác động kinh tế - xã hội đối với ngành, lĩnh vực, địa phương; rủi ro ô nhiễm môi trường và dự kiến biện pháp khắc phục…

Công tác đánh giá, giám sát chương trình, dự án ODA được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, trải qua đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động, đánh giá đột xuất. Trong đó, Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể, đánh giá tác động sẽ thực hiện trong vòng 3 năm kể từ ngày đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng. Qua đó, đánh giá lại thực trạng kinh tế, kỹ thuật của chương trình, dự án trong quá trình vận hành khai thác, sử dụng; tác động của chương trình, dự án tới các mặt kinh tế - chính trị - xã hội, tới môi trường sinh thái, với các nhóm dân cư hưởng lợi trực tiếp và nhóm dân cư bị ảnh hưởng; tính bền vững của dự án… 

Tin cùng chuyên mục