Cơ hội nào cho sản phẩm cơ khí trong nước?

(BĐT) - Cơ hội mở ra cho việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) là không phải ít. Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam có tận dụng được các cơ hội này hay không, nếu chậm khắc phục những hạn chế?
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Chịu cảnh thầu phụ

Ước tính cả nước có khoảng 3.100 DN cơ khí, trong đó có gần 450 DN quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể và 156 xí nghiệp tư doanh. Tuy nhiên, các DN cơ khí nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia chuỗi thị trường cạnh tranh. Trung bình mỗi năm nước ta nhập khẩu gần 10 tỷ USD các sản phẩm cơ khí. Trong khi đó, sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) nhận định, thị trường sản phẩm cơ khí được các tập đoàn lớn trên thế giới chia nhau nắm giữ, cánh cửa hẹp cho sản phẩm cơ khí Việt Nam, do vậy DN trong nước phải chịu cảnh thầu phụ, gia công làm thuê. Sản phẩm cơ khí mà chúng ta sản xuất vẫn là sản phẩm có hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp.

Theo giới chuyên gia, việc thiếu nguồn lực, thiếu quản trị chuyên nghiệp và thiếu nguồn nhân lực để cung ứng các đơn hàng lớn cho đối tác nước ngoài… khiến cho các DN cơ khí Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn nói về cơ hội “xuất ngoại” của các nhà thầu cơ khí trong nước, ông Dương Văn Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, một số công trình nước ngoài thường bao gồm các phần công việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà một DN trong nước khó có thể đảm nhận được tất cả công việc. Qua kinh nghiệm làm thầu phụ cho các nhà thầu chính nước ngoài, COMA lưu ý, các công trình có yếu tố nước ngoài thường có vốn đầu tư lớn, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ thi công nhanh. Các nhà thầu cơ khí trong nước thường không thể một mình đảm nhận hết các công việc, mà cần phải hợp tác, liên doanh để thực hiện. Yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm đòi hỏi phải áp dụng công nghệ thi công và thiết bị mới, đi theo đó là nâng cao trình độ nguồn nhân lực để thực hiện công việc.

Rót vốn cho công nghệ mới

Theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch VAMI, muốn phát triển nhanh, mạnh công nghiệp cơ khí trong nước thì cần có những tính toán, bước đi mới, chứ không thể áp dụng những hình thức cũ. Bên cạnh việc tham gia chuỗi sản phẩm xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ thì các cơ quan quản lý và các DN cơ khí phải nhận thức lại vị trí quan trọng của thị trường cơ khí trong nước. Bởi vì hàng năm Việt Nam đã và đang bỏ ra hàng tỷ USD để nhập các sản phẩm cơ khí nước ngoài mà Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. 

Để giành lại thị trường cũng như hướng đến xuất khẩu, việc đầu tư đổi mới công nghệ là chiến lược trọng tâm mà nhiều DN cơ khí đang hướng tới. Theo VAMI, trước mắt cần tăng mạnh hợp tác sản xuất giữa các DN trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để tránh lãng phí. Các DN cơ khí cần lựa chọn những công nghệ mới để tránh lạc hậu so với các nước trong khu vực, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh quốc tế. Hoặc có thể đầu tư công nghệ trong sản xuất tạo phôi đúc, rèn, nhiệt luyện có độ chính xác cao để nâng chất lượng sản phẩm cơ khí trên cơ sở khai thác những DN đã có thiết bị, nguồn nhân lực.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương mới đây cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2016 sẽ tiến hành nghiên cứu và áp dụng các biện pháp bảo hộ không trái cam kết quốc tế nhưng có tác dụng thúc đẩy phát triển một số sản phẩm cơ khí trong nước.

Tin cùng chuyên mục