Có nên tận dụng vốn IBRD dư tại 2 dự án?

(BĐT) - Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Dự án Thủy điện Trung Sơn đang được Ngân hàng Thế giới (WB) rà soát và đề nghị hủy 200 triệu USD, vốn IBRD. Các cơ quan chủ quản dự án của Việt Nam đang chuẩn bị phương án để tái cơ cấu, hủy một phần vốn dư tại các dự án này.
Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Dự án Thủy điện Trung Sơn đang được Ngân hàng Thế giới rà soát và đề nghị hủy 200 triệu USD. Ảnh: M. Toàn
Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Dự án Thủy điện Trung Sơn đang được Ngân hàng Thế giới rà soát và đề nghị hủy 200 triệu USD. Ảnh: M. Toàn

Theo Công thư ngày 6/6/2018 của WB, ngân hàng này đề xuất hủy 40 triệu USD vốn IBRD tại Dự án Thủy điện Trung Sơn; hủy 160 triệu USD vốn IBRD tại Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được WB tài trợ tín dụng. Dự án được thực hiện bởi chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn thuộc Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO2) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngày 6/4/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản thông báo Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gia hạn hiệu lực khoản vay thêm 2 năm, đến ngày 31/12/2019.

Đối với số vốn dư của Dự án (khoảng 42 triệu USD), Bộ Công Thương thống nhất với EVN đề nghị sử dụng phần vốn dư này để mở rộng quy mô thực hiện Hợp phần 3a tại địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa. EVN kiến nghị, không hủy phần vốn dư của Dự án.

Song, tại Văn bản 14819/BTC-QLN ngày 2/11/2017, Bộ Tài chính cho rằng, nhằm giảm áp lực nợ công đối với ngân sách nhà nước, cần hủy vốn dư của Dự án Thủy điện Trung Sơn.

Đối với Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2656/QĐ-BGTVT ngày 10/9/2010 và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Bộ KH&ĐT bày tỏ quan điểm, việc bố trí vốn IBRD cho các dự án mới cần xem xét chặt chẽ, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 1,472 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 673 triệu USD, vốn vay WB là 631 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tại dự án này, theo Bộ GTVT, số vốn dư là khoảng 153,98 triệu USD do cập nhật lại tỷ giá và giá trị các hợp đồng đã ký. VEC đề nghị được sử dụng 68 triệu USD để triển khai một số hạng mục bổ sung và 19 triệu USD cho dự phòng điều chỉnh giá. Do đó, Bộ GTVT cho biết, sẽ tổng hợp và rà soát lại các hạng mục đề xuất sử dụng vốn dư từ nguồn vốn của WB, JICA của Dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khoản vốn còn lại dự kiến cắt giảm là 66,98 triệu USD.

Đánh giá về khoản vốn IBRD, Bộ KH&ĐT nhận định, đây không phải là khoản vốn cần tận dụng vì điều kiện vay không thực sự ưu đãi. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý dự án đề nghị được sử dụng phần vốn dư hoặc chỉ đề xuất hủy một phần vốn dư, khả năng hủy phần vốn IBRD khoảng 106,98 triệu USD (40 triệu USD của Dự án Thủy điện Trung Sơn và 66,98 triệu USD của Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Bộ KH&ĐT bày tỏ quan điểm, việc bố trí vốn IBRD cho các dự án mới cần xem xét chặt chẽ, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với WB và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, hủy ngay đối với phần vốn dư không sử dụng tại Dự án Thủy điện Trung Sơn. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp WB và các cơ quan liên quan rà soát số vốn hủy, tiến hành các thủ tục để hủy khoản vốn dư của Dự án Phát triển đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (khoảng 66,98 triệu USD); xây dựng phương án sử dụng phần vốn dư còn lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Tin cùng chuyên mục