Đa dạng vốn nhà nước tham gia dự án PPP

(BĐT) - Vốn đầu tư của Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến thành công của dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), tạo ra đòn bẩy thu hút vốn của khu vực tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng. 
Các dự án PPP của Bộ Giao thông vận tải cần lượng vốn tham gia của Nhà nước lớn nhất. Ảnh: Nhã Chi
Các dự án PPP của Bộ Giao thông vận tải cần lượng vốn tham gia của Nhà nước lớn nhất. Ảnh: Nhã Chi

Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, cần huy động từ nhiều nguồn lực để bố trí đủ cho phần vốn này.           

Góp vốn - góp niềm tin và cơ hội thành công

Theo Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP thuộc thứ tự ưu tiên thứ hai trong bố trí vốn đầu tư trung hạn đối với nguồn vốn trong nước. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, Nghị quyết cho thấy sự quyết tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các dự án PPP.

Theo nhiều chuyên gia về PPP, để có thể thu hút tư nhân, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực tài chính cần thiết cho các dự án PPP, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia là rất quan trọng. TS. Ned White, chuyên gia quốc tế về PPP chia sẻ, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào dự án PPP sẽ hỗ trợ huy động vốn cho kết cấu hạ tầng nhiều hơn với tác dụng đòn bẩy; làm tăng niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân và tổ chức cho vay vì điều này cho thấy Nhà nước thực sự sẵn sàng, quyết tâm để dự án thành công.

Các dự án PPP có nguồn thu từ người sử dụng thường được áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO và các hợp đồng tương tự khác. Đối với các hình thức hợp đồng này, Nhà nước sẽ góp vốn hỗ trợ ban đầu để xây dựng công trình nhằm tăng tính khả thi về tài chính, đặc biệt là với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, có nguồn thu không đủ hoàn vốn; từ đó, giúp giảm thiểu rủi ro cho các dự án PPP. Sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng dự án để phù hợp hơn với thời hạn huy động nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, góp phần giảm gánh nặng trả phí cho người sử dụng. 

Cần nguồn lực tổng hợp

Những giải pháp huy động nguồn lực cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP đã được Bộ KH&ĐT đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. Nhiều bộ, ngành, địa phương đang trông đợi từ những nguồn lực này để góp phần hiện thực hóa nhiều dự án PPP trong kế hoạch.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ danh mục 108 dự án PPP ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm 68 dự án ưu tiên cấp quốc gia và 40 dự án ưu tiên cấp địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 375 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP này là 120 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng 26 dự án ưu tiên đặc biệt cấp quốc gia cần 97 nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực cần nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia lớn nhất là các dự án PPP của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Trong danh mục đặc biệt ưu tiên cấp quốc gia có 20 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với nhu cầu vốn Nhà nước tham gia là hơn 93 nghìn tỷ đồng. Bộ GTVT đã đề xuất phương án cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến bố trí cho Bộ này, cụ thể là từ nguồn trái phiếu chính phủ.

Tuy dự án PPP thuộc một trong những lĩnh vực ưu tiên bố trí vốn trung hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, nhưng đối với một số bộ, ngành, địa phương khác thì gần như không còn nguồn từ ngân sách nhà nước. Theo ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó Chánh Văn phòng PPP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ rất quyết tâm triển khai PPP, tuy nhiên trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không còn nguồn bố trí từ vốn ngân sách nhà nước cho phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP, Bộ đã đề xuất sử dụng một số nguồn lực khác.

Các nguồn lực khác, theo Bộ KH&ĐT, có thể từ nguồn vốn ODA và nguồn lực này được ưu tiên bố trí cho 6 dự án đặc biệt ưu tiên cấp quốc gia còn lại. Các dự án ưu tiên cấp quốc gia (42 dự án) với nhu cầu vốn nhà nước tham gia khoảng 17 nghìn tỷ đồng, có thể sử dụng nguồn dự phòng chưa phân bổ trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo nguyên tắc dự án của bộ, ngành, địa phương nào sử dụng nguồn dự phòng của cơ quan đó. Đối với danh mục dự án ưu tiên cấp địa phương (40 dự án) với nhu cầu phần vốn nhà nước tham gia khoảng 6 nghìn tỷ đồng, có thể cân đối từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

Ngoài ra, có thể huy động từ các nguồn lực công như quỹ đất công, nguồn tài sản công, nguồn tiết kiệm được từ chi tiêu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Bên cạnh đó, kinh nghiệm triển khai PPP của nhiều nước cho thấy, nguồn vốn đầu tư cho dự án PPP có thể huy động từ các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các nguồn tiền trong dân. Tuy nhiên, muốn huy động được các nguồn vốn này, mức độ tín nhiệm của các nhà đầu tư cần phải được nâng cao, đồng thời cần quyết tâm của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh và minh bạch.

Những giải pháp huy động nguồn lực cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP đã được Bộ KH&ĐT đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. Nhiều bộ, ngành, địa phương đang trông đợi từ những nguồn lực này để góp phần hiện thực hóa nhiều dự án PPP trong kế hoạch.

Tin cùng chuyên mục