Đại biểu đề nghị làm rõ chênh lệch số năm thu phí dự án BOT giao thông

(BĐT) - Một trong những vấn đề nổi lên trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong sáng nay (4/6), đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí từ dự toán với kết quả kiểm toán.
Các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí dự án BOT giao thông. Ảnh: Tường Lâm
Các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí dự án BOT giao thông. Ảnh: Tường Lâm

Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thắc mắc về vấn đề chênh lệch số năm thu phí giữa dự toán các dự án BOT giao thông và kết quả kiểm toán nhà nước đồng thời đặt câu hỏi về hướng khắc phục trong việc thu phí các dự án mở rộng đường Quốc lộ 1.

Trả lời câu hỏi này, ông Thể cho rằng, đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Giải thích thắc mắc của đại biểu, ông Thể phân tích, theo luật và theo nghị định của Chính phủ, giai đoạn chúng ta tổ chức đấu thầu các dự án BOT và ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án được duyệt. Trong dự án được duyệt có nhiều phần, trong đó có phần dự phòng như: trượt giá, khối lượng, giải phóng mặt bằng và những vấn đề phát sinh chi phí. Do đó, dự án BOT thực hiện bao gồm những khoản phát sinh có giá trị lớn. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đã ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt. Để đảm bảo minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ đã chủ động kiến nghị KTNN kiểm toán trước khi quyết toán. Trong thời gian qua, Bộ triển khai 56 dự án BOT và hiện đã kiểm toán 50 dự án, còn 6 đang triển khai kiểm toán và giá trị sau quyết toán là căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí. Theo hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi người dân, nhà nước và doanh nghiệp, Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT, trong đó có 1 điều khoản mà giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.

Do đó, việc KTNN phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán của giá trị giá được duyệt là điều hiển nhiên. Với dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì phần chênh lệch là phần chênh lệch dự phòng.

Ông Thể khẳng định, khi so sánh thời gian thu phí của KTNN và quyết toán luôn tương đồng. Tại nhiều dự án quyết toán thấp hơn KTNN và sự phát hiện của KTNN rất đúng, nhưng bộ GTVT cũng đúng khi đảm bảo quyền lợi của người dân, DN và nhà nước với các dự án BOT.

Ngay sau phần chất vấn của đại biểu Phương, một số đại biểu khác cũng tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Thể liên quan đến vấn đề này.

Cũng trong sáng cùng ngày, trước khi trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo một số vấn đề, trong đó đề cập đến việc sẽ có tên gọi mới đối với các trạm BOT hiện nay, thay vì tên gọi “Trạm thu giá BOT” như đề xuất mới đây của Bộ. Tuy nhiên, ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “ Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GTVT không dùng “Trạm thu giá” thì cứ quay lại dùng tên gọi cũ là “Trạm thu phí”, vì nếu trình Chính phủ thì mất nhiều thời gian lắm”.

Tin cùng chuyên mục