Đảm bảo lợi ích các bên khi tham gia dự án BT

(BĐT) - Qua thực tiễn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có loại hợp đồng BT, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn khi thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng nói riêng, đầu tư các công trình, dự án nói chung. Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn đang gặp một số bất cập ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An được triển khai theo hình thức BT
Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An được triển khai theo hình thức BT

Theo phân tích của các chuyên gia, lợi ích lớn nhất của các dự án BT chính là những đóng góp quan trọng cho xã hội và cộng đồng. Các dự án BT giao thông đã phát huy hiệu quả khi mỗi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đã giúp giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí vận chuyển, phát triển hạ tầng đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh - quốc phòng. Khi thực hiện dự án theo hình thức này, nhà đầu tư được Nhà nước thanh toán ngay bằng quỹ đất rõ ràng về mặt pháp lý, do đó quá trình triển khai dự án của chủ đầu tư được đẩy nhanh, chi phí được giảm xuống, mang lại hiệu quả tốt. Với hình thức BT, chính quyền cũng là người hưởng lợi khi có thể giảm bớt gánh nặng chi phí không nhỏ trong việc xây dựng hạ tầng, các công trình công cộng, phát triển đô thị…

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một số vướng mắc tại các dự án BT, ví dụ như việc chậm bàn giao quỹ đất đối ứng, đang gây nên hệ lụy cho nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, một số nhà đầu tư đang mắc nợ ngân hàng và không được đảm bảo các quyền lợi theo hợp đồng đã được ký kết. Cụ thể, đối với dự án BT thì việc chậm thanh toán quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư sẽ làm phát sinh chi phí lãi vay, làm tăng tổng mức đầu tư và làm giảm tính hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời, do chưa được bàn giao quỹ đất nên nhà đầu tư chưa đủ cơ sở pháp lý để xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu đô thị để kinh doanh thu hồi vốn. Điều này khiến nhà đầu tư phải chịu nhiều áp lực.

Đơn cử tại Nghệ An, Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An được triển khai theo hình thức BT. UBND thị xã Thái Hòa (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thực hiện lựa chọn nhà đầu tư sau khi sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu theo các quy định, Tập đoàn Cienco4 là nhà đầu tư trúng thầu. Sau khi UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, UBND Thị xã Thái Hòa đã ký kết hợp đồng với Nhà đầu tư với thời gian thực hiện là 18 tháng.

Hình thức BT giúp giảm bớt gánh nặng chi phí trong việc xây dựng hạ tầng, công trình công cộng, phát triển đô thị. Ảnh: Lê Tiên

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 17/8/2017 và được thông xe kỹ thuật vào ngày 4/5/2018. Giá trị hoàn thành Nhà đầu tư đã thực hiện đến ngày 28/6/2018 là 212,62 tỷ đồng. Theo hợp đồng, nguồn vốn thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án gồm 5 khu đất: Khu đô thị Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 - Vực Giồng, Long Sơn 4, Khu đô thị Tây Hiếu. Nhà đầu tư đã ứng trước nguồn vốn cho UBND thị xã Thái Hòa (cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ủy quyền) để chi trả cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chịu ảnh hưởng, đến nay cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của 4 khu đô thị là Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 - Vực Giồng, Long Sơn 4.

Nhà đầu tư cho biết đã thực hiện đúng các thủ tục liên quan theo quy định của Nhà nước để được bàn giao quỹ đất đối ứng của hợp đồng BT đã ký kết. Tuy nhiên, hiện tại Nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao đất theo như cam kết của hợp đồng BT do có một số vướng mắc.

Cụ thể, đó là Văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về việc tạm dừng việc sử dụng tài sản công từ ngày 1/1/2018 để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT và chờ đến khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Văn bản này buộc các địa phương dừng thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký.

Đối với dự án BT thì việc chậm thanh toán quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư sẽ làm phát sinh chi phí lãi vay, làm tăng tổng mức đầu tư và làm giảm tính hiệu quả đầu tư của dự án.
Về văn bản nêu trên của Bộ Tài chính, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, sự ra đời của Luật Quản lý tài sản công năm 2017 không làm thay đổi các điều khoản về hiệu lực thi hành cũng như các điều khoản cơ bản của hợp đồng BT đã ký kết trước đó. Do vậy, việc dùng Luật Quản lý tài sản công và Văn bản 3515/BTC-QLCS của Bộ Tài chính để tạm dừng quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng BT là không có hiệu lực về mặt pháp lý.

Mới đây, trả lời báo chí về vấn đề “Làm gì khi đổi đất lấy hạ tầng?”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mọi người đều phải tuân thủ đúng pháp luật, không được bắt cuộc sống ngừng lại chờ pháp luật.

Theo một số chuyên gia về đấu thầu, đối với các dự án thực hiện theo hình thức PPP, điều quan trọng là thời điểm ký kết hợp đồng tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Hợp đồng được coi là cơ sở quan trọng nhất, nên tuân thủ nguyên tắc hợp đồng để đảm bảo niềm tin, sự yên tâm của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư PPP.

Tin cùng chuyên mục