Đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hai vùng phía Nam

(BĐT) - Hôm nay (31/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng Kế hoạch năm 2019 vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn

Tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, kết quả nổi bật qua nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH  của vùng Đông Nam Bộ là tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng cơ cấu ngành dịch vụ, ngành công nghiệp, giảm dần ngành nông nghiệp. Ngành công nghiệp phát triển nhanh, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH của vùng nói riêng và cả nước nói chung, luôn duy trì phát huy vai trò đầu tàu phát triển công nghiệp của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KTXH và thu hút đầu tư. Vùng xếp thứ nhất cả nước về thu hút FDI, hiện có khoảng 10.000 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 135 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng vốn FDI của cả nước. Vùng có mức thu nhập bình quân đầu tư người cao hơn các vùng khác trong cả nước...

Tuy nhiên, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ dù có sự chuyển biến đúng định hướng nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, sức cạnh tranh còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa xác định rõ danh mục các sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm dẫn đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng còn cao, giá thành sản phẩm chưa có sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Tỷ lệ đầu tư mới công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu; việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài chưa rõ nét;...

Với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổng hợp của Bộ KH&ĐT cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Vùng trong giai đoạn 2016 – 2018 đạt khá, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch hướng tích cực. Ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã có nhiều chuyển biến. Vùng luôn có chỉ số PCI đứng trong nhóm đầu cả nước, môi trường đầu tư, thủ tục cải cách hành chính được cải thiện theo hướng minh bạch, thực chất...

Tồn tại hạn chế với vùng ĐBSCL là tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nên giá trị chưa cao, thiếu tính bền vững, dễ bị tổn thương, quy mô kinh tế từng địa phương còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân của cả nước. Thu hút FDI còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 4/6 vùng của cả nước. Các chính sách cho nông nghiệp chưa đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, do vậy chưa trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Trước đó, hội nghị đánh giá giữa kỳ đối với vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng; vùng Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên đã được Bộ KH&ĐT tổ chức. Đây là năm thứ hai Bộ KH&ĐT đổi mới công tác lập kế hoạch, tổ chức các hội nghị theo vùng, thay vì làm việc lần lượt với từng địa phương.

Qua 3 hội nghị vùng, rất nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn, giải pháp được các địa phương đưa ra trao đổi để có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra cho giai đoạn này. Đây cũng đầu vào quan trọng để Bộ KH&ĐT hoàn thành các báo cáo đánh giá giữa kỳ về kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công trung hạn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Tăng trưởng GRDP vùng Đông Nam Bộ thực hiện 2016 - 2018 đạt 7,71% (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 là 9,5%); vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện 7,5% (mục tiêu giai đoạn là 8,6%).

GRDP bình quân đầu người vùng Đông Nam Bộ thực hiện năm 2018 là 5.289 USD (mục tiêu 6.400 USD); vùng ĐBSCL thực hiện 2018 là 2.217 USD (mục tiêu 2.750 – 2850 USD).

Tin cùng chuyên mục