Đầu tư công, không siết thì 50 năm chưa trả hết nợ

(BĐT) - Nhiều lãnh đạo tỉnh đã phát biểu rằng “nếu không có Chỉ thị 1792/CT-TTg, tiền thân của Luật Đầu tư công, thì địa phương chúng tôi 50 năm nữa cũng không trả được hết nợ”. 
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT trong năm 2018 khẩn trương hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ, hiệu quả, chống thất thoát nhưng giảm thủ tục cho địa phương. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT trong năm 2018 khẩn trương hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ, hiệu quả, chống thất thoát nhưng giảm thủ tục cho địa phương. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nghệ An nhắc lại câu chuyện từ năm 2012 để nhấn mạnh tầm quan trọng của những chính sách siết chặt quản lý đầu tư công hơn trong giai đoạn vừa qua.

Nói về việc thực thi những chính sách mới về quản lý đầu tư công, từ Chỉ thị 1792/CT-TTg đến Luật Đầu tư công, ông Nguyễn Văn Độ chia sẻ: “Khi làm thì rất khó chịu, nhưng đến nay có 5 cái thành công”. Đó là khắc phục việc ban hành chủ trương tràn lan; từng bước khắc phục được đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; xử lý được nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB); việc chấp hành pháp luật về đầu tư công của các địa phương đi vào nề nếp dần. Đặc biệt, chuyển từ lập kế hoạch ngắn hạn sang trung và dài hạn, tăng tính chủ động của các địa phương, biết được cấp mình, ngành mình có bao nhiêu vốn từ đó mỗi địa phương có trách nhiệm tự thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn của địa phương mình để đề xuất chủ trương đầu tư cũng như quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn.

Với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, mặc dù nhu cầu mở rộng đầu tư công tại tất cả các địa phương là cấp thiết và khả năng nguồn vốn trong cả giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn chế nhưng Chính phủ tiếp tục cương quyết xử lý tổng thể các vấn đề tồn tại trong giai đoạn trước đây.

Bộ KH&ĐT cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, các địa phương đã bố trí dứt điểm thanh toán 100% nợ đọng XDCB còn lại 6.142 tỷ đồng, hoàn trả cơ bản các khoản ứng trước ngân sách trung ương (trừ các địa phương không khởi công mới dự án nào trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ cần hoàn trả tối thiểu 50% số vốn ứng trước) với tổng số vốn hoàn trả là 22.399 tỷ đồng.

Đồng thời, cơ bản xử lý toàn bộ các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2011 - 2015 và các địa phương chỉ khởi công mới 896 dự án trong các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, chiếm tỷ lệ 27% tổng số dự án thuộc các chương trình và giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (giai đoạn 2011 - 2015, mỗi năm bình quân khởi công mới 640 dự án và tỷ lệ số vốn các dự án khởi công mới/tổng số dự án là hơn 30%). Thậm chí, trong kế hoạch năm 2017, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các địa phương không khởi công mới bất cứ dự án nào để dành toàn bộ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho thanh toán nợ đọng và bố trí dứt điểm các dự án hoàn thành, chuyển tiếp.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 của Bộ KH&ĐT diễn ra đầu tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao hiệu quả của Chỉ thị 1792/CT-TTg và Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra nhiều quy định trong Luật Đầu tư công vẫn còn gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong thực hiện, một số điều khoản không thực tiễn, kéo dài thời gian…

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT trong năm 2018 phải tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, làm tốt công tác quản lý trong đầu tư công, khẩn trương hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ, hiệu quả, chống thất thoát nhưng giảm thủ tục cho địa phương.

Tin cùng chuyên mục