Đẩy mạnh triển khai các dự án điện theo hợp đồng BOT

(BĐT) - Gần 20 dự án nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ Công Thương quản lý với tổng công suất khoảng 23.000 MW khi đi vào vận hành sẽ góp phần quan trọng để đáp ứng nhu cầu về nguồn điện ở Việt Nam.
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2011 - 2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2011 - 2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi

Góp phần đảm bảo nguồn năng lượng

Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án nguồn điện theo hình thức hợp đồng BOT từ nhiều năm nay, một số dự án đã đi vào hoạt động và đang mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

Đề cập đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đang quản lý và theo dõi 19 dự án nhiệt điện triển khai theo hình thức hợp đồng này, trong đó 3 dự án đã đi vào hoạt động (Phú Mỹ 2.2; Phú Mỹ 3 và Mông Dương 2) được giới kinh tế đánh giá cao, góp phần bảo đảm cung cấp điện và phát triển ngành công nghiệp khí đốt của Việt Nam.

Ngoài 3 dự án trên đã đi vào hoạt động, 2 dự án nhiệt điện khác đã được khởi công xây dựng là Vĩnh Tân 1 và Hải Dương. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 đã ký thỏa thuận đầu tư, chủ đầu tư đã trình Bộ KH&ĐT hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 cũng đã kết thúc quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bốn dự án đang được đàm phán ở giai đoạn cuối như Vĩnh Tân 3, Vũng Áng 2, Vân Phong 1, Sông Hậu 1, và một số dự án nhiệt điện khác đang triển khai ở giai đoạn đầu: Long Phú 2, Quảng Trị, Vũng Áng 3, Dung Quất, Sơn Mỹ 1, Kiên Lương 1 và Quảng Trạch 2… Trong tương lai, đến năm 2030 có thể sẽ tiếp tục triển khai khoảng 06 dự án BOT với Tổng công suất khoảng 7.500 MW.

Thông tin về những dự án BOT nhiệt điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hầu hết các dự án nhiệt điện thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT đều đang bám sát tiến độ. Đây chủ yếu là những dự án có tổng mức đầu tư cao, có độ phức tạp nhất định nên thời gian đàm phán kéo dài. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đàm phán và nếu thu xếp được tài chính thì các dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế.

Đánh giá cao về hiệu quả các dự án nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mang lại, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các dự án năng lượng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT được coi là một trong số “chìa khóa” gỡ nút thắt về vốn trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn.

Hướng dẫn riêng về các dự án điện BOT

Theo Quyết định số 428/QĐ - TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, có 6 dự án nhiệt điện BOT chưa có nhà đầu tư, gồm: Nhiệt điện Long An I, Nhiệt điện Long An II, Nhiệt điện Quỳnh Lập II,  Nhiệt điện Tân Phước I, Nhiệt điện Quảng Trạch II và Nhiệt điện Quảng Ninh III.

Theo Quy hoạch điện VII, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2011 - 2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD, trong đó, riêng giai đoạn 2011 - 2020 là 48,8 tỷ USD, giai đoạn 2020 - 2030 là 75 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, hiện công tác triển khai các dự án điện trong Quy hoạch vẫn còn rất chậm với nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Thậm chí có dự án còn chưa rõ nguồn vốn. Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương khẳng định, việc triển khai các dự án nguồn, lưới điện trong Quy hoạch điện VII sẽ đặc biệt chú trọng, khuyến khích đa dạng hóa các dòng vốn từ xã hội, chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư so với trước đây, trong đó có hình thức hợp đồng BOT.

Để tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình tiếp cận cũng như triển khai các dự án nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 23/2015/TT-BCT ngày 13/7/2015 quy định trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT.

Tin cùng chuyên mục