Đèo Cả tham gia, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có kịp về đích?

(BĐT) - Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gần như đã được “thay máu”: thay cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ cấu lại nhà đầu tư, thay đổi phương án hỗ trợ của Nhà nước… Với những thay đổi này, nhất là sự tham gia của nhà đầu tư mới, liệu Dự án có về đích đúng như kế hoạch vào cuối năm 2020?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Có duyên “giải cứu” BOT 

Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng, được khởi công lần đầu vào năm 2009. Liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án gồm Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (30%), Công ty TNHH Yên Khánh (30%), Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT (10%), Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi (10%), Công ty CP Hoàng An (10%) và Công ty CP Đầu tư cầu đường CII (10%). Doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Sau 10 năm từ ngày khởi công, Dự án vẫn ì ạch, nguy cơ vỡ tiến độ. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vướng mắc chính liên quan đến lãi suất, phần hỗ trợ của Nhà nước vào Dự án và chưa đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn vay của hợp đồng tín dụng dù đã ký hợp đồng với các ngân hàng VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank để vay 6.850 tỷ đồng.

Để giải quyết vướng mắc của Dự án, tháng 3 vừa qua, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, tiến độ tổng thể và tổng mức đầu tư. Đồng thời, làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng để thẩm định lại phương án tín dụng cho Dự án và yêu cầu các nhà đầu tư cam kết hoàn thành thông tuyến trong năm 2020. Chính phủ cũng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, đồng thời thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước. Cuối tháng 3/2019, Dự án chính thức được chuyển quản lý nhà nước về UBND tỉnh Tiền Giang.

Đáng chú ý, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) đã tham gia vào Dự án thay thế cho Công ty TNHH Yên Khánh. Lý do thay đổi là Công ty TNHH Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án. Đặc biệt, các ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án yêu cầu buộc phải có nhà đầu tư thay thế Yên Khánh thì mới chấp thuận tiếp tục giải ngân hợp đồng tín dụng.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT DCG, đã trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Sự “thay máu” trong cơ cấu nhà đầu tư được kỳ vọng giúp Dự án về đích đúng hẹn, bởi trước đó ít lâu, sự tham gia của DCG vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng đã giúp “giải cứu”, thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc này.

Nhà đầu tư lo Nhà nước chậm!

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, với việc điều chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền về UBND tỉnh Tiền Giang, Dự án sẽ được điều chỉnh lại, theo trình tự sẽ ký lại hợp đồng, sau đó lập phương án tài chính và tiếp tục đàm phán với ngân hàng để lập hợp đồng tín dụng. Vấn đề lãi suất sẽ được tháo gỡ khi điều chỉnh Dự án.

Về một trong những vướng mắc lớn nhất là nhà đầu tư chưa đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn vay của hợp đồng tín dụng, lãnh đạo DCG chia sẻ, có một số điều kiện ngân hàng hơi áp đặt làm khó nhà đầu tư, nhưng cũng có thể nhóm nhà đầu tư trước đây chưa đáp ứng đủ điều kiện để ngân hàng giải ngân. “Với sự tham gia của Đèo Cả, sự hỗ trợ của Chính phủ, với nguồn vốn đã được bố trí từ ngân sách nhà nước, biết đâu chừng họ sẽ tham gia”, ông Hoàng phân tích.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang chờ Nhà nước thực hiện cam kết hỗ trợ trước cho Dự án 500 tỷ đồng trong năm 2019 từ nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020 để giải quyết một số khó khăn trước mắt. Theo ông Hoàng, vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cụ thể rồi, nhưng UBND tỉnh Tiền Giang chưa hoàn chỉnh thủ tục và có thể còn rắc rối. Việc giải ngân chậm có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Giả định năm 2020 công trình hoàn thành nhưng nếu chưa xong thủ tục phía tỉnh Tiền Giang thì không thể thu phí được. “Chúng tôi đề nghị cơ quan giám sát sau đầu tư phải kiểm tra lại, cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, có thể trưng cầu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, xem giải ngân tắc ở đâu để xử lý”, lãnh đạo DCG chia sẻ.

Dù vậy, lãnh đạo DCG khẳng định: “Bằng mọi cách đưa Dự án vào hoạt động, giống như đã thực hiện ở Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, bởi nhà đầu tư mà không triển khai thì cam kết với Thường trực Chính phủ thông tuyến vào cuối năm 2020 là không tưởng”.

Tin cùng chuyên mục