DN hoảng vì hợp đồng PPP không được tuân thủ

(BĐT) - Nhà nước và nhà đầu tư là hai bên ký kết hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng theo nhiều nhà đầu tư, họ phải “hứng” quá nhiều rủi ro. Cơ quan nhà nước, ở 2 vai quản lý nhà nước về ngành và là một bên đối tác ký hợp đồng, nhiều khi không rạch ròi, mà dùng quyền lực của Nhà nước can thiệp quá sâu vào hợp đồng.
Hiện vẫn còn khoảng trống pháp lý trong việc xử lý trách nhiệm của các bên đối với hợp đồng PPP. Ảnh: Lê Tiên
Hiện vẫn còn khoảng trống pháp lý trong việc xử lý trách nhiệm của các bên đối với hợp đồng PPP. Ảnh: Lê Tiên

Rủi ro do phía Nhà nước, ai chịu?

Tại Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng Dự án Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước đối với hợp đồng PPP được nhà đầu tư đặt ra. Đối với dự án PPP, quan trọng nhất là phân bổ rủi ro hợp lý cho bên quản lý rủi ro tốt hơn, thế nhưng theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), thực tế nhiều hợp đồng dự án PPP có các điều khoản khiến nhà đầu tư chịu rất nhiều rủi ro, Nhà nước chịu ít rủi ro nhưng rất nhiều quyền lực.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư đã thực hiện dự án BOT, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, dù hợp đồng đã quy định rất chặt chẽ, rủi ro do cơ quan nhà nước gây ra thì Nhà nước phải đền bù thiệt hại, nhưng thực tế thực hiện rất khó. “Ai đền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng đền hay cơ quan nào, khi đền thì phải thực hiện thủ tục thế nào?”, ông Tỉnh đặt câu hỏi.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - ông Hồ Minh Hoàng cũng đặt vấn đề, đối với các dự án PPP có sự tham gia vốn của Nhà nước, nếu Nhà nước chậm giải ngân phần vốn này, gây ảnh hưởng đến dự án, phá vỡ phương án tài chính sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào?

Hay là vấn đề thay đổi pháp lý, hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của nhà đầu tư, thế nhưng họ vẫn là nạn nhân, phải tự đi xử lý. Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ nhiều quy định pháp lý liên quan đến dự án PPP chưa ổn định, thường xuyên thay đổi, nhưng lại không đảm bảo tính không hồi tố của pháp luật. Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả lấy ví dụ, tại Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong hợp đồng đã quy định dùng nguồn thu phí từ trạm thu phí Sài Gòn - Trung Lương là một phần hoàn vốn, nhưng việc áp dụng sau đó lại trái với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực sau thời điểm ký hợp đồng, dẫn đến Dự án phải điều chỉnh lại phương án tài chính. Bên cạnh đó, quy định về lãi suất vốn vay thay đổi 3 - 4 lần từ thời điểm ký hợp đồng đến nay.

Chỉ ra thực tế quy định về PPP thay đổi liên tục, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền cho rằng, việc sửa nghị định để giải quyết, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh thì vẫn phải sửa, nhưng cần làm tốt khâu chuyển tiếp, đưa ra các tình huống chuyển tiếp cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong áp dụng. 

Hợp đồng không được tôn trọng

Dù là những nhà đầu tư lớn, thế nhưng đại diện Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Tasco, Vidifi... đều than bị Nhà nước quản lý không khác nhà thầu, những quy định trong hợp đồng không được tôn trọng.

Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư là hai bên đối tác ký kết hợp đồng, nhưng trong thực tế, cơ quan nhà nước thường lạm dụng quyền lực quản lý nhà nước để can thiệp vào thực hiện hợp đồng dự án bằng các quy định hành chính, bằng các văn bản pháp lý, khiến phương án tài chính dự án PPP bị điều chỉnh. Đại diện Đèo Cả dẫn chứng, doanh nghiệp này từng bị Bộ Giao thông vận tải đơn phương cắt bỏ 1 trạm thu phí so với hợp đồng ban đầu mà không có sự bàn bạc, thương lượng trước.

Một nhà đầu tư lớn khác, ông Nguyễn Viết Tân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cũng phản ánh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang can thiệp quá nhiều vào hợp đồng bằng các biện pháp hành chính, gây ra không ít rủi ro cho các nhà đầu tư. Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị, trong Dự án Luật PPP cần phải có các quy định rõ ràng để hạn chế sự can thiệp này, đảm bảo tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, cần quy định rõ xử lý trách nhiệm như thế nào nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp sâu, gây ảnh hưởng đến phương án tài chính đã nêu tại hợp đồng.

Tin cùng chuyên mục