DNNVV Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) vừa tổ chức Tọa đàm lần thứ tư nhằm trao đổi, thảo luận về phương hướng, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như trao đổi về những tầm nhìn, cơ hội hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện môi trường  đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung

Làn sóng đầu tư thứ hai từ Nhật Bản

Tại Buổi tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho biết: “Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất, là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 và là đối tác thương mại, giao lưu nhân dân hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, đã có hơn 3.200 dự án của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký vượt 42 tỷ USD, chiếm hơn 14% tổng FDI của Việt Nam”.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giá dầu giảm sâu, suy giảm tốc độ tăng trưởng và dòng vốn FDI toàn cầu nói chung, GDP năm 2016 của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,3 - 6,5%. 2016 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100 nghìn doanh nghiệp (DN) được thành lập trong 1 năm. Chính chủ Việt Nam cũng đang nỗ lực tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm phát triển khối DNNVV, hệ sinh thái khởi nghiệp và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

Theo ông Kobayashi Yoichi, Trưởng ban Kinh tế Mekong Nhật Bản, tính đến tháng 10/2015, có 1.578 DN Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, đứng thứ 7 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế đa phương, triển vọng đầu tư  của Nhật Bản sang Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa. Theo đánh giá của các DN Nhật Bản, ưu điểm lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động trẻ dồi dào, chăm chỉ, chi phí lao động thấp; thị trường nội địa tăng trưởng do kinh tế phát triển ổn định...

Tại Buổi tọa đàm, ông Nekoshima Akio, đồng Trưởng ban Kinh tế Mekong Nhật Bản chia sẻ, thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư thứ hai của DN Nhật Bản vào Việt Nam, nhưng chủ yếu là DNNVV. 

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Tính đến tháng 10/2015, có 1.578 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, đứng thứ 7 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia.
Để Việt Nam trở thành điểm đến cho các DN Nhật Bản trong thời gian tới, phía Nhật Bản đã đưa ra một số đề xuất cụ thể. Theo đó, Chính phủ cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. DNNVV là động lực kinh tế quan trọng cần hỗ trợ phát triển. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng ngoại ngữ, từ đó trở thành cầu nối hợp tác đầu tư giữa 2 nước. Xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đô thị để giải quyết tình trạng ùn tắc ở các thành phố lớn...

Các chính sách pháp luật và thủ tục hành chính phải được tuân thủ nghiêm túc. Các thủ tục thông quan phải bảo đảm thuận lợi, thống nhất và nhanh chóng. JCCI đề nghị làm rõ tiêu chí trong quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu. Cùng với đó là giảm thuế nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu...

Đối với từng vấn đề mà phía Nhật Bản quan tâm, đại diện các cơ quan, bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ... đã trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của DN Nhật Bản; cập nhật các thông tin chính sách mới được ban hành và đang xây dựng, hoàn thiện. Đại diện Bộ Tài chính đề nghị JCCI cung cấp các ví dụ cụ thể về những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục thuế, hải quan để rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời.

Đánh giá cao những góp ý xác đáng, nghiêm túc của phía Nhật Bản giúp cải thiện môi trường đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, ngoài hỗ trợ về vốn, về chuyển giao công nghệ, hy vọng phía Nhật Bản tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực, kết nối DN FDI với DN trong nước. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều DN Việt tham gia tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu, bởi DNNVV trong nước vẫn còn khá nhiều dư địa phát triển...             

Tin cùng chuyên mục