Dự án BT Ba La – Xuân Mai: Để không lỡ hẹn một lần nữa

(BĐT) - Như Báo Đấu thầu đã thông tin, Công ty CP Đầu tư  Louis Group - doanh nghiệp mới thành lập được 6 tháng, đang có rất nhiều khả năng trở thành nhà đầu tư Dự án BT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu, đổi lại bằng hơn 441 ha đất tại Hà Nội. 
Dự án BT Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Dự án BT Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Dự án này đã chỉ định nhà đầu tư từ cách đây 8 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa thể triển khai. Có một số vấn đề cần quan tâm, để dự án mà Hà Nội đang cho là “cấp thiết”, không bị lỡ hẹn thêm một lần nữa.

Dấu hỏi năng lực nhà đầu tư

Tháng 7 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để triển khai thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT (gọi tắt là Dự án Ba La – Xuân Mai) với nhà đầu tư dự kiến được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư Louis Group (gọi tắt là Louis Group). Cơ sở cho đề xuất chỉ định nhà đầu tư, theo UBND TP. Hà Nội là do tính cấp thiết của việc đầu tư Dự án và kế thừa từ việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư Dự án từ 7 - 8 năm trước. Cụ thể, ngày 17/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty (TCT) Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh Đề xuất Dự án. Ngày 25/3/2010, tại Thông báo số 88/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT như kiến nghị của TP. Hà Nội, trong đó có dự án này.  

Ngày 27/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án Ba La – Xuân Mai; khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 88/TB-VPCP phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật để bảo đảm hiệu quả Dự án, không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Nhìn lại những lý do mà Hà Nội đưa ra để kiến nghị chỉ định Louis Group là nhà đầu tư Dự án Ba La – Xuân Mai, có một số điểm cần phải đánh giá đầy đủ. UBND TP. Hà Nội khẳng định các cổ đông sáng lập Louis Group là Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - Công ty TNHH MTV (UDIC), Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (gọi tắt là Ngôi nhà mới), Công ty CP Đầu tư phát triển và Dịch vụ thương mại Đại An (gọi tắt là Đại An) là các nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đã thực hiện nhiều dự án trọng điểm, có tính chất, quy mô tương tự như Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực PPP, các công ty nêu trên chỉ là cổ đông sáng lập của Louis Group. Việc đánh giá kinh nghiệm, năng lực về tài chính, kỹ thuật của nhà đầu tư thực hiện dự án BT này phải dựa vào năng lực, kinh nghiệm của chính nhà đầu tư trực tiếp thực hiện Dự án là Louis Group.

Về nội dung kế thừa kết quả công việc trước đây mà TCT Sông Đà, Công ty CP Sông Đà Hà Nội đã thực hiện, cũng có điểm cần lưu ý, vì Công ty CP Sông Đà Hà Nội chỉ chiếm 0,14% cổ phần trong Louis Group. Vì vậy cần làm rõ nội dung, hình thức kế thừa và sự tham gia của TCT Sông Đà nói chung (Công ty CP Sông Đà Hà Nội nói riêng) để đảm bảo tính khả thi thực hiện Dự án. 

Câu hỏi về vốn

Trong 4 cổ đông sáng lập của Louis Group, hai cổ đông chiếm cổ phần lớn nhất là Ngôi nhà mới và Đại An. Cả hai đều có mối liên hệ nhất định với Tập đoàn Lã Vọng.

Ngôi nhà mới là công ty thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Giữa năm 2016, Ngôi nhà mới được Hà Nội chỉ định thực hiện Dự án BT Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Thực hiện dự án này, Ngôi nhà mới được thanh toán bằng quỹ đất hơn 9,9 ha thực hiện dự án đối ứng trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm thuộc Đồ án Quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70. Đây là vị trí Dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ đang được chào bán trên rất nhiều trang giao dịch bất động sản với mức giá khá cao.

Đầu năm 2017, cũng bằng hình thức góp vốn sáng lập vào Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, Ngôi nhà mới và một công ty khác thuộc Tập đoàn Lã Vọng - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis, hiện đã nắm quyền chi phối tại Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại phường Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis giữ 85% cổ phần.

Với Dự án Ba La – Xuân Mai, nếu Hà Nội thực hiện đúng như đề xuất của mình, thì Louis Group sẽ là nhà đầu tư dự án hơn 8.800 tỷ đồng này và dự án đối ứng sẽ được thực hiện trên các khu đất với tổng diện tích hơn 441 ha.

Ngoài Ngôi nhà mới thuộc Tập đoàn Lã Vọng, cổ đông lớn của Louis Group là Đại An cũng có mối quan hệ nhất định với Tập đoàn này. Ông Lê Văn Vân, cổ đông sáng lập Đại An, đồng thời là cổ đông sáng lập Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng thuộc Tập đoàn Lã Vọng.

Với việc thực hiện đồng thời nhiều dự án lớn, các công ty thuộc Tập đoàn Lã Vọng liệu có đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu vào từng dự án theo đúng tiến độ để các dự án mà Tập đoàn này có “dấu ấn” nói chung, dự án cấp thiết Ba La – Xuân Mai nói riêng, đều được thực hiện hiệu quả hay không là điều cần quan tâm.

Tin cùng chuyên mục