Dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn: Hình thức đầu tư nào phù hợp?

(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) Xây dựng Xuân Trường (gọi tắt là Xuân Trường) vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất được đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội với số vốn đầu tư lên đến 15 nghìn tỷ đồng. 
Khu du lịch tâm linh Hương Sơn được đề xuất đầu tư sẽ nằm giữa chùa Tam Chúc thuộc tỉnh Hà Nam và chùa Hương. Ảnh: Quý Lê
Khu du lịch tâm linh Hương Sơn được đề xuất đầu tư sẽ nằm giữa chùa Tam Chúc thuộc tỉnh Hà Nam và chùa Hương. Ảnh: Quý Lê

Nếu Xuân Trường được cho phép đầu tư thì siêu dự án này sẽ đầu tư theo hình thức nào? Đây là vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm.

Cam kết nộp thuế 1.000 tỷ đồng/năm

Trong hồ sơ Dự án được Xuân Trường gửi tới UBND TP. Hà Nội, DN này đề xuất được xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn với diện tích 1.500 ha. Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ nằm giữa chùa Tam Chúc thuộc tỉnh Hà Nam (dự án Xuân Trường đang đầu tư, dự kiến khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2019) và chùa Hương.

DN sẽ đầu tư nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 30 km; xây dựng khu đón tiếp khoảng 300 ha, có sức chứa lên tới 50.000 khách du lịch mỗi ngày khi vào mùa lễ hội; khôi phục, tôn tạo đền, chùa, miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp đá mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100 m để thờ xá lợi Phật (tâm điểm là tháp đá đỏ granite); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, khu resort.

Xuân Trường chỉ đề xuất UBND TP. Hà Nội đầu tư ngân sách thành phố để giải phóng mặt bằng và giao đất (núi đá có cây, sông ngòi, mặt nước ao hồ; khu tâm linh đền chùa miếu mạo, khu dịch vụ, công viên văn hóa...) cho Dự án. Đồng thời, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hương Sơn, DN sẽ đầu tư xây dựng các khu tâm linh, khu dịch vụ tiếp đón với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Hàng năm, Xuân Trường cam đoan sẽ nộp 1.000 tỷ đồng tiền thuế.

Áp dụng hình thức đầu tư nào?

Theo một chuyên gia, với hình thức đầu tư tư nhân, khi nhà đầu tư được giao quỹ đất đã giải phóng mặt bằng (tức quỹ đất sạch) mà không phải thông qua đấu giá, thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án sẽ phải tuân thủ Luật Đầu tư. Theo đó, dự án du lịch tâm linh sẽ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nếu có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Như vậy đối với dự án quy mô lên đến 15.000 tỷ đồng thì thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Nhà nước sẽ tham gia phần hỗ trợ mặt bằng, thì việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án sẽ phải tuân theo Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này phải thực hiện đấu thầu rộng rãi, công khai, đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế.

Vẫn theo chuyên gia trên, trường hợp làm theo hình thức đầu tư tư nhân thực hiện theo Luật Đầu tư nhưng lại đề nghị Nhà nước tham gia phần nào đó vào Dự án thì rất khó, không phù hợp. Vì về nguyên tắc, Nhà nước khi đã giao dự án cho nhà đầu tư thì trách nhiệm huy động nguồn lực triển khai dự án thuộc về nhà đầu tư.

Ở dự án này, có một yếu tố mà cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Đó là việc Nhà nước sẽ phải giao lại cho nhà đầu tư tài sản sẵn có là đình, chùa, miếu mạo, sông ngòi, núi có cây... Đây không chỉ là tài sản hạ tầng thông thường, mà là các công trình có giá trị rất lớn về mặt tâm linh, văn hóa, tín ngưỡng.

Đến nay, dù Sở KH&ĐT Hà Nội đã có Văn bản số 5360/KH&ĐT-NNS đề xuất UBND TP. Hà Nội cho phép DN được nghiên cứu Dự án, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, đây mới chỉ là những đề xuất từ phía DN và phía Sở. UBND Thành phố vẫn chưa có ý kiến gì về đề xuất này.

Tin cùng chuyên mục