Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa: Xin thôi thực hiện theo hình thức BOT

(BĐT) - Không khả thi về thu phí dẫn đến phương án tài chính không bảo đảm, UBND tỉnh Lào Cai đã xin chuyển dự án hơn 2.500 tỷ đồng xây dựng đường nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên Sa Pa theo hợp đồng BOT sang hình thức đầu tư khác, trong đó có đoạn được đề xuất chuyển sang thực hiện theo hợp đồng BT.
UBND tỉnh Lào Cai đề xuất thực hiện Dự án bằng vốn nhà nước và theo hình thức BT. Ảnh: Lê Tiên
UBND tỉnh Lào Cai đề xuất thực hiện Dự án bằng vốn nhà nước và theo hình thức BT. Ảnh: Lê Tiên

Không bảo đảm nguyên tắc chỉ đầu tư BOT trên đường mới

Dự án Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hợp đồng BOT đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2014, với quy mô gồm 2 tuyến đường, trong đó cải tạo tuyến Quốc lộ (QL) 4D hiện hữu với chiều dài 29 km và xây dựng mới tỉnh lộ (TL) 155 dài 22,2 km song song với QL 4D. Tổng vốn đầu tư là 2.518 tỷ đồng.

Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện Dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty CP Tập đoàn xây dựng miền Trung - Công ty CP Thương mại nước giải khát Khánh An.

Dự án đã được khởi động từ ngày 27/2/2016 và đã thi công một số hạng mục. Theo dự kiến ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành vào quý I/2019, hoàn vốn theo phương án thu phí cả tuyến QL 4D và TL 155, thời gian thu là 24 năm.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Lào Cai, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 yêu cầu đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Dự án Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa sau khi hoàn thành vẫn là đường độc đạo với hai chiều lên và xuống, vẫn chưa bảo đảm đồng bộ, tách biệt giữa đường hiện hữu (QL 4D) với đường làm mới (TL 155), còn một số đoạn phải đi chung với QL 4D.

Vì thế, việc chỉ được thu phí một chiều đối với đường làm mới (TL 155) dẫn đến phương án tài chính không bảo đảm, ngoài ra dự kiến sẽ rất khó khăn trong vấn đề quản lý trạm thu phí một chiều và phân luồng giao thông.

Dự án cũng gặp khó khăn về vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương, nên lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương rà soát, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng nguồn vốn, hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. 

Xin chuyển đoạn 6 km sang làm BT

UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, Dự án cần sớm được triển khai vì đây là tuyến đường huyết mạch kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Quốc lộ 6…, kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với khu du lịch Sa Pa và với tỉnh Lai Châu. Từ tháng 9/2014, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác, rồi công trình cáp treo lên đỉnh Fansipan hoàn thành cuối năm 2014, lưu lượng xe vận tải hành khách và hàng hóa trên tuyến QL 4D từ Lào Cai đến Sa Pa tăng rất nhanh, trung bình trên 7.500 xe/ngày đêm, cá biệt những dịp lễ tết, cuối tuần có thể lên tới 13.000 xe/ngày đêm, trong khi tuyến  QL 4D còn nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc dọc một số đoạn trên 10%, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

UBND tỉnh Lào Cai đề xuất cho phép chuyển hình thức đầu tư từ hình thức PPP (hợp đồng BOT) sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước đối với TL 155 đoạn từ nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Km11+800 kết nối với QL 4D tại Km120+666. Đây là đoạn tuyến cấp bách có mức độ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chiều dài tuyến là 11,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 658 tỷ đồng.

Đoạn từ Ngã ba Kim Tân - nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đoạn từ nút giao với đường tránh QL 4D đến thị trấn Sa Pa có chiều dài khoảng 6 km, tổng kinh phí khoảng 850 tỷ đồng, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất tách thành dự án khác, tách biệt với QL 4D, kêu gọi đầu tư theo hình thức BT và ngân sách địa phương.

Riêng cầu Móng Sến và đoạn còn lại của TL 155 sẽ triển khai khi có nguồn vốn bố trí.

Tin cùng chuyên mục