Gia nhập TPP, doanh nghiệp nhà nước sẽ ra sao?

(BĐT) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tôn trọng quyền thành lập và duy trì doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của các nước thành viên và cũng không đòi hỏi phải tư nhân hóa hay cổ phần hóa bất kỳ lĩnh vực nào.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhà nước vẫn được quyền hỗ trợ DNNN

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho biết, theo cam kết thì DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố. Đặc biệt, theo cam kết, Nhà nước không được trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

“Các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với DNNN mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định (4.500 tỷ đồng) thì mới chịu sự điều chỉnh”, ông Khánh cho biết.

Vẫn theo ông Khánh, Việt Nam đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, vì Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. “Với doanh nghiệp khác, chúng ta chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ DNNN, nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì chỉ có doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn mới được coi là DNNN. Nhưng theo TPP, doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước đã coi là DNNN. Hai khái niệm về DNNN không đồng nhất nên theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sẽ rất khó thực hiện các giải pháp (nếu có) nhằm hỗ trợ DNNN.

Về sự không đồng nhất về khái niệm DNNN, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nêu cho rằng, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ vấp phải trở lực nếu chúng ta coi doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 51% vốn trở lên là DNNN. “Nếu vẫn coi doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 51% trở lên là DNNN thì các doanh nghiệp này sẽ không chịu đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mà từ nhân không đầu tư, lợi nhuận thấp mà chỉ chăm chăm đầu tư vào những lĩnh vực có lợi nhuận cao như đầu tư sản xuất bia thay vì nhà máy xử lý nước thải”, đại diện Amcham lo ngại.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước không thể đứng ngoài TPP

Theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù theo TPP, doanh nghiệp có từ 51% vốn nhà nước trở lên vẫn được coi là DNNN, nhưng dứt khoát chỉ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới được coi là DNNN, tất cả doanh nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư đều phải thoái vốn, cổ phần hóa.

Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, mặc dù TPP tôn trọng việc thành lập và duy trì DNNN, không đòi hỏi tư nhân hoá và cổ phần hóa. Nhưng để cả nền kinh tế hội nhập thành công dứt khoát phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình để nâng cao tính cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng và cả nền kinh tế.

Indonesia, Philippines, Thailand, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc rất quan tâm tới TPP và đã bày tỏ ý định tham gia Hiệp định này. Tuy nhiên, nhanh nhất phải 5 - 7 năm sau khi TPP có hiệu lực (dự kiến vào giữa năm 2018), 12 thành viên sáng lập ra TPP mới bàn bạc có nên mở rộng thành viên hay không. Theo ông Vũ Tiến Lộc thì đây là “cơ hội vàng” để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn tự đổi mới, tự cải cách và sát cánh cùng Chính phủ cải cách thể chế, nâng cao sức cạnh tranh trước khi đấu trường này có thêm đối thủ sừng sỏ.

Cải cách DNNN, theo ông Lộc có phần chững lại một phần là do một bộ phận lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không thực sự quyết tâm; phần khác là do cơ chế, chính sách, thủ tục không phù hợp. Mà nguyên nhân chính của việc này là do bản thân doanh nghiệp chưa thực sự chung tay cùng các cơ quan nhà nước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, ông Lộc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sát cánh với Chính phủ thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Lộc, bên cạnh vai trò quyết định của Nhà nước, cải cách thể chế cũng đồng thời là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cải cách thể chế nhằm nâng cao sức cạnh tranh muốn đi vào cuộc sống cần có sáng kiến từ doanh nghiệp, giám sát, phản biện từ doanh nghiệp. “Trong 5 - 7 năm tới, cộng đồng doanh nghiệp không đứng ở bên ngoài kêu ca, phàn nàn mà phải tham gia, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường. Đây là điều quan trọng mà doanh nghiệp phải làm. Bởi những cải cách về thủ tục hành chính thuế, hải quan, đầu tư… thời gian vừa qua đã thực hiện rất tốt, đặc biệt trong 2 năm gần đây, nhưng những mục tiêu đã đạt được sẽ nhanh chóng lạc hậu khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là TPP có hiệu lực”, ông Lộc kêu gọi.

Tin cùng chuyên mục