Giải pháp căn cơ cho chống ngập tại TP.HCM

(BĐT) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM”. Để giải quyết triệt để nạn ngập lụt trong đô thị, việc triển khai các giải pháp căn cơ là điều cấp thiết trong lúc này.
Nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách và ODA thì sẽ rất lâu nữa mới chống ngập thành công tại TP.HCM.  Ảnh: Quang Tuấn
Nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách và ODA thì sẽ rất lâu nữa mới chống ngập thành công tại TP.HCM. Ảnh: Quang Tuấn

Quản lý rủi ro ngập nước

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” gồm 3 hợp phần: Quản lý tích hợp rủi ro ngập lũ; Các can thiệp ưu tiên để giảm ngập; Hỗ trợ quản lý Dự án.

Dự án được thực hiện sẽ giúp khoảng 14.900 ha đất được bảo vệ khỏi các trận lụt có tần suất ngập 10 năm; khoảng 2 triệu người (tính đến năm 2020) sống ở tiểu lưu vực được tiếp cận các tiện ích vệ sinh môi trường.

UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản Dự án. Dự án được thực hiện trong 6 năm (từ năm 2016 - 2021). Tổng mức đầu tư của Dự án là 437 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm WB là 400 triệu USD; vốn đối ứng phía Việt Nam 37 triệu USD, do UBND  TP.HCM cân đối, bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Nhân dự án này, nhìn lại những bất cập về chống ngập tại TP.HCM, PGS.TS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, khoảng 10 năm gần đây, nỗ lực của TP.HCM trong việc xoá giảm ngập chỉ để khắc phục hậu quả của việc thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước; các giải pháp chống ngập không được triển khai toàn diện, kịp thời, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm hậu quả ngập lụt.

Kết quả khảo sát gần đây của giới quy hoạch đô thị cho thấy, quá trình đô thị hoá tại TP.HCM trong 15 năm qua đã dẫn đến sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 hecta, san lấp 7,4 hecta hồ Bình Tiên, một trong những hồ chứa quan trọng. Sự suy giảm diện tích cây xanh cũng gây ngập, từ 1.000 hecta vào năm 1998 đến nay chỉ còn 535 hecta…

Trong khi khu vực ngoại thành thay đổi sử dụng đất mạnh mẽ và bê tông hoá thì tại khu nội thành, hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo. Chưa kể, chi phí xây dựng, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước của TP.HCM cần vốn lớn nhưng tiến độ thực hiện các dự án thường chậm.

Hơn nữa, nhiều khu vực của TP.HCM đang lún nhanh và không có dấu hiệu dừng lại. Trong 116 tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường thì có 79 tuyến đường bị ảnh hưởng do lún mặt đất. Độ lún đã tăng dần và tăng nhanh từ năm 2004 đến nay, lún từ 20 - 30cm, có nơi lún đến 50cm. Diễn biến lún này có liên quan đến tốc độ phát triển đô thị. 

Bổ sung giải pháp quản lý đô thị

PGS.TS Lưu Đức Cường nhận định, nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM chủ yếu là do phát triển đô thị thiếu hợp lý, công tác quản lý đô thị yếu kém và do ý thức của người dân. Vì vậy, việc xem xét lại công tác quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết và cần phải có những giải pháp quản lý đô thị bổ sung để hỗ trợ cho những giải pháp chống ngập truyền thống.

Cụ thể, trong tương lai Thành phố cần kiểm soát phát triển đô thị hợp lý. Trong đó, cần thiết lập “khu vực khuyến khích đô thị hoá” ở những khu vực có địa hình cao (như hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc Quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với Tây Ninh và Campuchia) và “khu vực đô thị hoá có kiểm soát” là những khu vực địa hình thấp.

Điều lưu ý là khu có địa hình thấp xung quanh TP.HCM đang có tốc độ đô thị hoá khá mạnh, như ở hướng Đông Bắc (gồm quận 2, 9, Thủ Đức), hướng Tây Nam (dọc tuyến Quốc lộ 1 trên quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) và hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM), Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai)…

Theo các chuyên gia, việc phát triển tại các khu vực thấp cần quy hoạch cẩn thận và “mềm dẻo” để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt. Các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông và kiến trúc tại khu vực này cần theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ và các hồ điều tiết phân tán trên lưu vực.

Tại các khu vực chịu ngập lụt thường xuyên sẽ không thích hợp cho phát triển, chức năng sử dụng đất của các khu vực này nên được chuyển đổi thành các khu vực dự trữ phát triển đô thị và vùng bảo tồn môi trường…

Cũng theo PGS.TS Lưu Đức Cường, kinh phí dành cho các dự án chống ngập chủ yếu là ngân sách, vốn ODA. Nếu dựa vào các nguồn vốn này thì thực tế sẽ rất lâu nữa mới thực hiện được các quy hoạch, chiến lược chống ngập đề ra. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế huy động các nguồn vốn khác bằng các hình thức khác nhau.                                                                                    

Tin cùng chuyên mục