Gỡ nhiều nút thắt cho dự án PPP

(BĐT) - Khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả khu vực đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sắp hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sắp hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ảnh: Lê Tiên

Đồng thời, sau một loạt những vấn đề của dự án BOT, BT đã được chỉ ra thời gian vừa qua, những quy định mới về PPP cũng hướng tới tăng cường quản lý, bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng các công trình, chống thất thoát, lãng phí.

Thực hiện PPP chưa đạt kết quả như kỳ vọng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hoạt động đầu tư theo hình thức PPP hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (NĐ15), Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ30) và một số thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan.

Con đường PPP được xác định là cần thiết, là tất yếu phải đi, cần đi trong bối cảnh ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư. Tại thời điểm ban hành, cặp Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài) vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, các dự án được triển khai xây dựng và vận hành trong thời gian qua chủ yếu vẫn là các dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP); số lượng dự án thực hiện theo quy định tại NĐ15 và NĐ30 không nhiều, hầu hết vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai NĐ15. Đó là nội dung quy định tại NĐ15 chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau. Quy trình phê duyệt phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP sử dụng vốn nhà nước còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Trình tự thực hiện dự án PPP còn chưa phù hợp với mọi loại dự án, đặc biệt là dự án áp dụng công nghệ cao mà phía cơ quan nhà nước chưa có kinh nghiệm thực hiện. Quy định về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng vốn đầu tư công (vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong khi nguồn vốn này ngày càng hạn hẹp; đồng thời việc sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho các dự án BTL, BLT còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, quy định tại NĐ15 được thiết kế chung cho các loại hợp đồng PPP, chưa cân nhắc đến tính đặc thù của loại hợp đồng BT. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với dự án PPP mang tính hình thức, đặc biệt trong trường hợp bộ, ngành, UBND cấp tỉnh vừa là cơ quan ký kết hợp đồng, vừa là cơ quan cấp GCNĐKĐT.

Tháo gỡ những vướng mắc lớn

Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế NĐ15 nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nêu trên đối với các dự án đang được triển khai cũng như tạo điều kiện chuẩn bị các dự án trong giai đoạn sau.

Trong thời gian chưa xây dựng, ban hành được “Luật Đầu tư theo hình thức PPP”, mục tiêu của Nghị định thay thế NĐ15 được Bộ KH&ĐT xác định là nhằm quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP (bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công) trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công; phản ánh tính chất đặc thù của dự án PPP, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Nghị định thay thế NĐ15 cũng sẽ quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP có sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao; mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần của Nhà nước tham gia thực hiện dự án (bao gồm cả dự án do nhà đầu tư đề xuất), tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng.

 Đặc biệt, Nghị định thay thế NĐ15 có 1 chương quy định trình tự thực hiện dự án BT theo hướng quản lý chặt chẽ chất lượng và giá trị công trình, nhằm tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực quốc gia (đặc biệt là nguồn lực đất đai); đồng thời mở rộng phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế.

Nghị định thay thế NĐ15 cũng bãi bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT; đồng thời bổ sung quy định công khai thông tin hợp đồng dự án để đảm bảo minh bạch và tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước có công cụ quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về các dự án PPP.

Tuy nhiên, trong dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế NĐ15, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, trong bối cảnh chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai,…, việc sửa đổi NĐ15 chỉ nhằm tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc chủ yếu để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, mà không thể xử lý triệt để được tất cả các vấn đề do vướng các luật.

Con đường PPP để thực sự hanh thông chắc chắn vẫn còn cần một hành lang pháp lý đủ rộng, đủ mạnh - một đạo luật riêng cho PPP. Tuy nhiên, những tháo gỡ tại Nghị định thay thế NĐ15 và Nghị định thay thế NĐ30 được kỳ vọng cũng sẽ giảm bớt chướng ngại trên con đường ấy.

Tin cùng chuyên mục