Hà Nam “xây tổ” đón nhà đầu tư

(BĐT) - Từ một tỉnh nghèo khi mới tái lập năm 1997, sau gần 16 năm xây dựng, phát triển các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp lãnh đạo, hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực sự khởi sắc, đạt được những kết quả hết sức ấn tượng.
Thời gian tới, Hà Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Ảnh: Nhã Chi
Thời gian tới, Hà Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Ảnh: Nhã Chi

Đến nay, có thể khẳng định, Hà Nam xứng đáng là điểm đến của các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Ấn tượng từ những con số biết nói

Trước những khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo sau khi tái lập, Hà Nam xác định phải tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp, đặc biệt là hệ thống các KCN để thu hút đầu tư. Tỉnh đã nghiên cứu, quy hoạch và phát triển KCN tại những khu vực bán sơn địa, đất lúa một vụ năng suất thấp, nhưng có điều kiện giao thông, hạ tầng thuận lợi như các huyện Duy Tiên, Kim Bảng và Thanh Liêm.

Năm 2002, tỉnh Hà Nam đã tiến hành quy hoạch, đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn I - KCN đầu tiên với quy mô ban đầu 110 ha. Đến nay, sau 16 năm không ngừng nỗ lực đầu tư và xây dựng, Hà Nam đã có 6/8 KCN theo quy hoạch được triển khai đầu tư hạ tầng gồm: KCN Đồng Văn I, KCN Đồng Văn II, KCN Châu Sơn, KCN Hòa Mạc, KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I, KCN Đồng Văn IV với tổng diện tích 1.418 ha.

Trong đó, một số KCN có tỷ lệ lấp đầy khá ấn tượng như: KCN Đồng Văn I (diện tích là 221,2 ha) đã lấp đầy 100% diện tích; KCN Đồng Văn II (diện tích là 321 ha) đã lấp đầy 92,9% diện tích; KCN Châu Sơn (diện tích 377 ha) đã lấp đầy 88,4% diện tích. Một số KCN đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và sẵn mặt bằng cho nhà đầu tư thuê như: KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I (diện tích là 131,5 ha); KCN Đồng Văn IV (diện tích 300 ha); KCN Hòa Mạc (diện tích 131 ha).

KCN Thanh Liêm của Hà Nam đã được Chính phủ chấp thuận mở rộng diện tích lên 293 ha, trên cơ sở phát triển nâng cấp Cụm công nghiệp Kiện Khê diện tích 150 ha (đã cho doanh nghiệp thuê lấp đầy) và đầu tư mở rộng thêm 143 ha.

KCN Thái Hà đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực để xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và triển khai đầu tư hạ tầng.

Cùng với thời gian, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà các KCN của tỉnh Hà Nam thu hút được cũng “bứt tốc” nhanh chóng. Từ chỗ chỉ thu hút được 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 2,5 triệu USD giai đoạn 2003 - 2005, các KCN ở Hà Nam đã thu hút được 40 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 320,94 triệu USD trong giai đoạn 2006 - 2010. Đến giai đoạn 2011 - 2015, các KCN đã thu hút được 99 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.037,93 triệu USD. Và giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2018, các KCN thu hút được 78 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.240,05 triệu USD. Đến hết tháng 9/2018, tại các KCN của tỉnh Hà Nam có 200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.492 triệu USD, tạo việc làm cho 50.326 lao động.

Đáng chú ý, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của các doanh nghiệp FDI trong KCN hàng năm đều tăng trưởng trên hai con số, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị SXCN toàn Tỉnh. Cụ thể, năm 2009, giá trị SXCN của các doanh nghiệp FDI trong KCN mới chỉ đạt 1.259 tỷ đồng (theo giá cố định 1994, tương đương 2.770 tỷ đồng nếu tính theo giá so sánh 2010), đến năm 2017 đã đạt 46.493 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 59,1% giá trị SXCN của Tỉnh (78.614 tỷ đồng) và 9 tháng năm 2018 đạt 40.967,3 tỷ đồng.

Nhờ đó, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI trong các KCN Hà Nam cũng ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2009, con số mà các doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước mới đạt 156,8 tỷ đồng, thì đến năm 2017 đã là 1.883,4 tỷ đồng, chiếm 30,1% tổng thu ngân sách tỉnh Hà Nam (6.254,7 tỷ đồng); 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1.538 tỷ đồng.

Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong KCN cũng tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân trên 20%/năm, năm 2009 là 41,9 triệu USD, đến năm 2017 đã đạt 1.422,3 triệu USD, chiếm 70,3% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh. Tính bình quân 1 ha đất công nghiệp các doanh nghiệp FDI thuê tại Hà Nam trong năm 2017 đã tạo ra giá trị SXCN là 129 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu là 3,95 triệu USD và nộp ngân sách nhà nước 5,22 tỷ đồng. 

Tích cực, chủ động đồng hành với nhà đầu tư

Nhìn lại chặng đường gần 16 năm xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Hà Nam có thể thấy, sở dĩ hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN đạt được những thành tích nổi trội và bứt phá, bên cạnh điều kiện kết cấu hạ tầng chung của tỉnh Hà Nam được cải thiện đáng kể, các KCN được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ, thì sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam trong xúc tiến đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư là yếu tố có vai trò quyết định.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hà Nam luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trên nhiều phương diện, nhất là duy trì các cuộc tiếp xúc, giao lưu hàng năm, trực tiếp lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc cho nhà đầu tư. Các cấp lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng luôn tích cực trong chỉ đạo, đổi mới cơ chế và vận dụng linh hoạt chính sách để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư như: ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm quảng bá, xúc tiến, lập dự án gọi vốn gửi đến các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh Hà Nam cũng tích cực, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư, thực hiện nghiêm, đầy đủ 10 cam kết của Tỉnh đối với các nhà đầu tư; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư vào KCN, đáp ứng các yêu cầu nhanh, công khai, minh bạch. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam còn tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng, các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI vào các KCN theo hướng bền vững, gắn phát triển công nghiệp với việc thực hiện các mục tiêu ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Tỉnh Hà Nam cũng sẽ đa dạng hoá các hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư; chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, nhất là các tổ chức của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, các nhà đầu tư đã thành công tại Hà Nam để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Hà Nam. 

Tin cùng chuyên mục