Hà Nội chi 2.200 tỷ xóa 40 điểm ùn tắc

HĐND TP Hà Nội vừa quyết định chi 2.200 tỷ đồng để xóa 40 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020.
Vào một số ngày có mưa lớn hoặc cao điểm như khai giảng, trước Tết Nguyên đán, đường Nguyễn Xiển và Vành đai 3 Hà Nội đã từng ùn tắc vài km - Ảnh: Hoàng Anh (Zing)
Vào một số ngày có mưa lớn hoặc cao điểm như khai giảng, trước Tết Nguyên đán, đường Nguyễn Xiển và Vành đai 3 Hà Nội đã từng ùn tắc vài km - Ảnh: Hoàng Anh (Zing)

Giải quyết triệt để 10 điểm ùn tắc

Trong năm 2015, nhờ đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo giao thông và tổ chức lại giao thông hợp lý nên Hà Nội đã giải quyết triệt để được 10 điểm ùn tắc giao thông. Cụ thể tại 2 nút giao thông quan trọng là hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa khi đưa vào hoạt động đã giải quyết triệt để ùn tắc tại đây. Nhiều nút giao khác cũng giảm đáng kể ùn tắc như: Lạc Long Quân - Thụy Khuê, Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, cầu Phương Liệt - dự án Vành đai 2...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 44 điểm ùn tắc nữa cần giải quyết, mà nguyên nhân chính do lưu lượng giao thông quá lớn, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém; các công trình thi công chiếm dụng phần lớn lòng đường.

Đơn cử trục đường Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long giao với đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng (Thanh Xuân), ùn tắc ngày càng trầm trọng khi cách các nút giao đó chỉ khoảng 300m có hai đường nhánh từ đường Vành đai 3 (đường trên cao) xuống đường Phạm Hùng gây xung đột. Khu vực này luôn bị ùn tắc trong cao điểm từ 16h đến 19h.

Trao đổi với Báo Giao thông, Trung úy Trần Anh Hiệp (Đội CSGT số 6) cho biết, thiết kế nhánh rẽ từ đường trên cao xuống đường Khuất Duy Tiến gần với nút giao Trung Hòa đã tạo xung đột với dòng xe dưới đường Phạm Hùng khi đã quá đông, gây ùn tắc. Hơn nữa, nhiều ôtô đi lấn làn của xe máy, khiến xe máy phải đi trên vỉa hè, thậm chí không còn chỗ để lách cũng khiến giao thông ùn tắc.

Không chỉ có điểm này, ý thức giao thông kém đang là một trong nhiều nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao thông Bưởi. Có mặt tại đây, PV ghi nhận nhiều phương tiện không tuân thủ biển báo, thường đi ngược chiều từ đường Hoàng Quốc Việt qua nhánh N2 của dự án vào đường Vành đai 2, gây xung đột với dòng phương tiện từ Nhật Tân đi lên cầu Bưởi thế là ùn tắc.

Trong khi đó, theo thiết kế, nhánh N2 được tổ chức giao thông một chiều hướng từ đường Vành đai 2 ra Hoàng Quốc Việt. Phương án phân luồng cho các phương tiện từ Hoàng Quốc Việt đi lên Lạc Long Quân và Nhật Tân cũng đã được thông báo cụ thể.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư phát triển Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường TTGT hỗ trợ cùng CSGT túc trực để hướng dẫn giao thông, ngăn các phương tiện đi ngược chiều tại các điểm có nguy cơ ùn tắc.

Còn theo Trung úy Hiệp, để giảm được ùn tắc giao thông tại các điểm lên xuống của đường Vành đai 3, lực lượng CSGT đề xuất lắp thêm đèn tín hiệu tại lối mở Đại lộ Thăng Long lên đường Vành đai 3 để phân luồng, tránh xung đột.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT, giảm ùn tắc giao thông quý I do Sở GTVT Hà Nội tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở khẳng định cần nhiều hơn nữa các giải pháp đồng bộ để kéo giảm ùn tắc. Nếu thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tới đây có thể giải quyết được 14 điểm ùn tắc giao thông nữa. Trong đó, có 7 điểm do công trình đưa vào khai thác sử dụng và 7 điểm do tổ chức lại giao thông hợp lý.

Để làm được điều này, ông Viện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình mục tiêu như cầu vượt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt Cổ Linh, cầu vượt Trần Hưng Đạo - Nguyễn Khoái. Cùng đó, thành phố cần đầu tư thêm các cụm đèn tín hiệu giao thông, camera giám sát giao thông để đủ điều kiện xử lý phạt nguội các trường hợp vi phạm.

* Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội dự kiến sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 56 nút đèn tín hiệu. Lắp đặt cầu thép lắp ghép trên sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…, lắp đặt 10 dàn Benley (cầu tạm kết cấu thép); 10 cầu vượt cho người đi bộ.

* Mới đây, Bộ Tài chính cũng có văn bản trình Chính phủ thống nhất về nguyên tắc áp dụng hình thức giao thầu đối với các công trình cấp bách được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất. Theo đó, 8 dự án cấp bách hoàn thành trong năm 2016 để giảm ùn tắc giao thông bao gồm: Cải tạo, mở rộng cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt tại nút giao Lê Thanh Nghị - Bạch Mai; cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên, cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, nút giao Cổ Linh, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đường Vành đai 3 dưới đất đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Tin cùng chuyên mục