Hà Nội đổi 162 ha đất lấy 13 km đường

(BĐT) - UBND TP. Hà Nội vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT có tổng chiều dài 13,303 km với tổng vốn đầu tư lên tới 5.727 tỷ đồng. Đổi lại, các nhà đầu tư sẽ được nhận lại tổng diện tích đất ở vị trí đắc địa là 162,71 ha.
Các dự án được kỳ vọng sẽ tạo sự kết nối đồng bộ các tuyến đường nội thị, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô của TP. Hà Nội. Ảnh: Nhã Chi
Các dự án được kỳ vọng sẽ tạo sự kết nối đồng bộ các tuyến đường nội thị, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô của TP. Hà Nội. Ảnh: Nhã Chi

Hơn 5.727 tỷ đồng đầu tư 13,303 km đường

Trong 4 dự án trên, Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát đề xuất và đầu tư với kinh phí 1.961 tỷ đồng. Đây là dự án được TP. Hà Nội đề xuất năm 2009, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2010, UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 7/4/2010. Dự án được chỉ định cho chính nhà đầu tư đề xuất. Theo đó, Nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 - 40 m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội (quận Hà Đông) và 2 xã Đông La, La Phù (huyện Hoài Đức).

Tuy nhiên, đến năm 2013, Dự án đã bị yêu cầu ngừng thực hiện theo hình thức BT và phải giao lại quỹ đất dự kiến đối ứng cho các sở, ngành để chuẩn bị các thủ tục đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, 1 năm sau đó, Dự án lại tiếp tục được UBND Thành phố cho phép tiếp tục triển khai.

Dự án BT thứ hai là Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 do Liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD - Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 2,85 km, kết nối với đường Vành đai 2, đi qua Vành đai 2,5 và nối với Vành đai 3. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 - 2020. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng...

Thứ ba là Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư với kinh phí là 1.373 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 1,653 km. Thời gian thực hiện Dự án là từ quý IV/2017 - quý II/2019.

Thứ tư là Dự án Tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2, Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 2,6 km nối từ trung tâm quận Hoàng Mai đến sông Hồng, qua các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Yên Sở. Quy mô sử dụng đất hơn 11 ha, thiết kế 8 làn xe. Dự kiến Dự án sẽ hoàn thành cuối năm nay. 

Các khu đất hoàn vốn nằm ở vị trí nào?

Các dự án đối ứng của 4 dự án hạ tầng giao thông lớn của Thủ đô đều nằm ở vị trí đắc địa, “đất vàng” và có nhiều dự án bất động sản được hưởng lợi từ các dự án BT này.
Những dự án hạ tầng giao thông nói trên được kỳ vọng sẽ tạo sự kết nối đồng bộ các tuyến đường nội thị, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô của TP. Hà Nội. Đổi lại những dự án đối ứng đều nằm ở vị trí đắc địa, “đất vàng” và những dự án bất động sản được hưởng lợi từ dự án BT.

Để hoàn vốn đầu tư Dự án BT Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông, Liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát được nhận 6 khu đất đối ứng rộng khoảng 68 ha, gồm: Khu đô thị Bắc Lãm (41,84 ha); Khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,568 ha); Khu nhà ở Phú Lãm (12,92 ha); Khu nhà ở Hà Cầu (2,3 ha); Khu nhà ở Dương Nội (2,55 ha) và Khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng (0,998 ha).

Tương tự, Liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD - Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt được thanh toán quỹ đất rộng gần 40 ha nằm tại các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Quy hoạch phân khu S4) để hoàn vốn đầu tư. Quy hoạch phân khu S4 thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4.

Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng được khai thác quỹ đất tại 3 khu đất. Khu thứ nhất là Khu nhà ở Ao Mơ rộng 22,9 ha. Khu đất thứ hai là các ô đất tại Dự án Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân Tổ 24, Tổ 25 với diện tích khoảng 11,29 ha. Khu đất thứ ba là 0,52 ha của Dự án Ao Cây Dừa, 11,9 ha tại Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng và 13 ha tại Khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì. Trong đó, Khu nhà ở Ao Mơ nằm trên tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên. Theo phương án đề xuất tại thời điểm năm 2015, tiền sử dụng đất được Nhà đầu tư tạm tính là 1.013 tỷ đồng; các ô đất Tổ 24, 25 là 364 tỷ đồng, Dự án Ao Cây Dừa là 57 tỷ đồng, Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng là 296 tỷ đồng, Khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng là 1.072 tỷ đồng...

Cũng giống như các nhà đầu tư trên, Tân Hoàng Minh được Thành phố giao làm chủ đầu tư khu đất 20 ha tại trung tâm quận Hoàng Mai để xây dựng khu đô thị đa chức năng, cách hồ Gươm khoảng 4 km, cách Vành đai 3 khoảng 150 m... Cuối tháng 4 vừa qua, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - tổng thầu thiết kế thi công dự án bất động sản tại khu đất 20 ha này để hình thành một tổ hợp chung cư cao cấp, biệt thự liền kề và shophouse kết hợp các dịch vụ thương mại hàng đầu.

Tin cùng chuyên mục