Hàng loạt điểm nghẽn cản trở phát triển ngành cơ khí Việt Nam

(BĐT) - Tại Hội thảo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đang diễn ra sáng  5/9, tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, ngành cơ khí Việt Nam còn khá nhiều hạn chế, yếu kém.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Anh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Anh

Ông Hải chỉ rõ, đó là năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp; số lượng doanh nghiệp (DN) trong ngành dù có tăng tương đối nhanh trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tổng số DN cả nước, trong khi đó chất lượng và quy mô các DN cơ khí còn nhỏ, thậm chí rất nhỏ; Việt Nam nhập siêu nhiều sản phẩm cơ khí, chưa chủ động sản phẩm; mối liên kết DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… “Đây là những vấn đề hết sức quan ngại trong bối cảnh nền kinh tế  hội nhập và CMCN4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ”, vị Thứ trưởng bày tỏ.

Đồng tình với đánh giá này, Báo cáo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và CMCN4.0 do ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương trình bày cũng chỉ ra 5 điểm yếu của ngành cơ khí Việt Nam. Đầu tiên là hạn chế về thị trường. Theo ông Phạm Tuấn Anh, ngành cơ khí nước ta khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Hai là, ngành cơ khí hạn chế về trình độ khoa học công nghệ. Đại diện Cục Công nghiệp thẳng thắn: “Ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo về người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. “Trong bối cảnh CMCN4.0, các công nghệ mới đã ra đời, làm thay đổi hoàn toàn cách thức phương thức sản xuất hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn trong đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ mới trong các DN cơ khí”, ông Tuấn Anh nói.

Ba là, ngành cơ khí Việt hạn chế về nguyên phụ liệu. Hiện nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, tuy nhiên, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, ở trong nước chúng ta cũng chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, từ đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và thu mua nguyên phụ liệu trong nước.

Bốn là, hạn chế về nguồn nhân lực. Nhân lực ngành cơ khí nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao còn hạn chế. Lực lượng nghiên cứu triển khai, nhất là lực lượng tư vấn thiết kế chưa có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Năm là, vai trò của hiệp hội ngành nghề cơ khí chưa phát huy hiệu quả. Hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung; chưa thu hút được sự tham gia của các DN cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các DN thành viên với nhau. 

Dù còn những hạn chế nêu trên, song Bộ Công Thương ghi nhận, trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng DN cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN năm 2010 lên hơn 21.000 DN vào năm 2016, chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chiếm 17% tổng số lao động trong ngành. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí của Việt Nam đạt trên 16 tỷ USD. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành bao gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô.

Tin cùng chuyên mục