Hàng loạt dự án chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện

(BĐT) - Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành (chưa bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án), trong đó có 43 dự án thủy điện, 57 dự án nhiệt điện, 11 dự án năng lượng tái tạo, 3 dự án thủy điện tích năng và 2 dự án điện cá nhân. 
Tập đoàn Dầu khí được giao làm chủ đầu tư 8 dự án nguồn điện thì cả 8 dự án đều gặp khó khăn và khó có thể hoàn thành theo tiến độ. Ảnh: Tường Lâm
Tập đoàn Dầu khí được giao làm chủ đầu tư 8 dự án nguồn điện thì cả 8 dự án đều gặp khó khăn và khó có thể hoàn thành theo tiến độ. Ảnh: Tường Lâm

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có hàng loạt dự án nguồn điện bị chậm tiến độ.

Đa số các dự án nguồn điện chậm tiến độ

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư. Đó là, các tập đoàn nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) làm chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập) và các dự án đầu tư theo hình thức BOT. Tổng hợp tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW cho thấy, hiện có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch.

Cụ thể, EVN thực hiện 23 dự án với tổng công suất 14.809 MW (giai đoạn 2016 - 2020 là 12 dự án, giai đoạn 2021 - 2030 là 11 dự án), trong đó có 13 dự án chậm tiến độ hoặc lùi tiến độ.

PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án nguồn điện trọng điểm với tổng công suất là 11.400 MW (giai đoạn 2016 - 2020 là 3 dự án, giai đoạn 2021 - 2025 là 5 dự án). Tuy nhiên, đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và khó có thể hoàn thành theo tiến độ.

TKV được giao thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW (giai đoạn 2016 - 2020 là 2 dự án, giai đoạn 2021 - 2030 là 2 dự án). Hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên, thậm chí có dự án còn chưa triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Bên cạnh các dự án điện do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư, tiến độ nhiều dự án BOT cũng không mấy lạc quan. Quy hoạch điện VII điều chỉnh có 15 dự án BOT (giai đoạn 2016 - 2020 có 1 dự án, giai đoạn 2021 - 2030 là 14 dự án). Đến nay mới có 3/15 dự án đạt tiến độ, còn lại 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ do còn vướng mắc trong khâu đàm phán.

Tương tự, tiến độ thực hiện 8 dự án điện đầu tư theo hình thức IPP với tổng công suất 7.390 MW cũng rất chậm, nhiều dự án không thể xác định được thời gian hoàn thành.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thiếu cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng, năng lực chủ đầu tư chưa đảm bảo… 

Kiên quyết thu hồi dự án, thay thế nhà thầu

Trước thực trạng hàng loạt dự án nguồn điện đang chậm tiến độ dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong tương lai, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt, trong đó nhấn mạnh giải pháp lựa chọn các nhà đầu tư, tổng thầu có đủ năng lực. “Trường hợp không đáp ứng thì kiên quyết thu hồi dự án, thay thế các nhà thầu đủ năng lực”, bộ này kiên quyết.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, tổng thầu xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền về các vấn đề như: vốn, hợp đồng EPC, tiến độ dự án… Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương trong việc giải quyết dứt diểm các vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, yêu cầu đẩy nhanh khai thác các mỏ khí nhỏ khu vực Tây Nam Bộ để bổ sung cho cụm Nhiệt điện Cà Mau trong các năm 2019 - 2021 khi Dự án khí Lô B chưa đi vào vận hành. Ưu tiên khí cho phát điện trong các năm 2018 - 2021...

Có cơ chế thích hợp (bao tiêu khí, bao tiêu điện) để sớm đẩy tiến độ của các nhà máy khí sử dụng LNG Nhơn Trạch III, IV, đảm bảo vận hành vào năm 2022 - 2023. Thúc đẩy tiến độ chuỗi khí điện Sơn Mỹ. Trường hợp cảng nhập khẩu LNG (Thị Vải, Sơn Mỹ) chậm tiến độ, xem xét sử dụng cảng LNG khu vực Cái Mép (khoảng 2 triệu tấn/năm đang xây dựng) để cấp bù khí Đông Nam Bộ, hoặc xây dựng 1 nhà máy tại khu vực này trong trường hợp nguồn cung đủ, ổn định và giá hợp lý.

Một giải pháp khác cũng được Bộ Công Thương đề xuất là nghiên cứu phương án mua điện từ Lào và Trung Quốc để bổ sung công suất cho hệ thống điện, đảm bảo việc cấp điện an toàn, ổn định cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục