Hiểm họa trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Kỳ cuối: Giải mã nguồn cơn sai phạm

Sáng sớm 31.3, xe khách của nhà xe Duy Long chở theo 18 người lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến địa phận huyện Văn Bàn (Lào Cai) thì bất ngờ mất lái, phá tan dải phân cách rồi lộn nhào nhiều vòng khiến toàn bộ chiếc xe móp méo biến dạng. 
Để xử lý vết hằn bánh xe, đơn vị quản lý đường đã tạo ra vô số những vết nhám như thế này trên suốt dọc đường.
Để xử lý vết hằn bánh xe, đơn vị quản lý đường đã tạo ra vô số những vết nhám như thế này trên suốt dọc đường.

May mắn hơn phần lớn những TNGT từng xảy đến, vụ việc lần này không gây thiệt hại về người, thế nhưng trên thực tế, lại giống như một nhát cắt, vạch trần những bất cập nội tại đang âm ỉ nhói buốt trên toàn tuyến cao tốc dài và hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Giải mã sai phạm

Bất chấp nỗ lực của các đơn vị quản lý, thì những bất cập trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai liên quan đến ý thức của người dân 2 bên đường và người tham gia giao thông vẫn cứ mãi bộn bề, bịt chỗ này thì dường như chỗ khác lại phình ra. GS-TS Bùi Xuân Cậy - nguyên Trưởng khoa Công trình Trường Đại học Giao thông Vận tải, một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đường cao tốc tại Việt Nam nhận định, nếu không đi vào đúng trọng tâm vấn đề, thì việc VEC cứ liên tục đi khắc phục sự cố do người dân gây ra chỉ là giải pháp phần ngọn.

Theo lời vị chuyên gia, tính trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ có 120km đầu từ Nội Bài đến Yên Bái thỏa mãn tiêu chí của đường cao tốc, gồm: Ít nhất 4 làn xe; có dải phân cách giữa và có các nút giao thông khác mức. Một nửa còn lại, đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai, thì không đáp ứng đủ, chỉ nên coi là đường hỗn hợp 2 chiều, bởi không có dải phân cách giữa và cũng chỉ có 2 làn xe. GS Cậy cũng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của tất cả các công trình xây dựng cũng đều để phục vụ nhân dân. Do đó, trong một số tình huống nhất định, nếu phân tích rõ nguồn cơn sự việc thì cũng cần có những giải pháp mềm dẻo, linh hoạt. Chiếu vào những bất cập trên tuyến cao tốc, G Cậy cho rằng, người dân liên tục vi phạm là bởi nhu cầu đi lại của họ chưa được thỏa mãn. Từ đó, vị chuyên gia đầu ngành về đường cao tốc cũng đề xuất các đơn vị quản lý nghiên cứu từ thực tế, thiết kế thêm những điểm dừng đỗ hợp lý để bà con đi lại cho thuận tiện. Chỉ như thế mới có thể giải quyết được triệt để tình trạng phá rào tràn ra cao tốc.

“Ở nước ngoài thì cứ lên cao tốc là chạy một mạch luôn, không dừng đỗ được. Nhưng ở nước ta thì cái gì cũng phải hợp tình hợp lý. Bây giờ nhà người dân ở ngay gần đó, bắt họ đi tới 50km mới bắt được xe thì cũng bất cập. Nên chăng cứ khoảng 20km thì lại bổ sung một điểm bắt xe như trạm xe Bus, làm rộng hẳn ra, vừa thuận lợi cho người dân lại vừa tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải?”, GS Cậy băn khoăn.

Bàn về sự cố hằn lún, nham nhở trên bề mặt đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai, sau khi xem xét kỹ những tư liệu được PV cung cấp, giáo sư đầu ngành cho biết hiện tượng này gọi tên là “trùng phục bánh xe” do thiết kế không đủ làn. Theo lời GS Cậy, để khắc phục tình trạng này, đơn vị chủ đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng là do nền đất yếu hay do kết cấu áo đường bị hư hại để đưa ra phương pháp khắc phục sao cho triệt để.

Chất lượng đường chưa đảm bảo

Quay trở lại vụ tai nạn sáng 31.3 tại địa phận huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, ông Phạm Thái Long - Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý từ km149+570 đến km244+570) cho biết vẫn chưa xác định được nguyên nhân là do lái xe buồn ngủ hay do mất lái. Tuy nhiên ông Long thừa nhận, chất lượng đường tại khu vực này không tốt. Từ những nhận định của ông Long, ghi nhận từ thực tế cho thấy, tình trạng đường hỏng, đường xuống cấp ở khu vực này có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường. Trên hàng chục kilômét chiều dài, mặt đường đã có dấu hiệu của việc sửa đi chữa lại nhiều lần, loang lổ và chắp vá như chiếc váy đụp. Nhiều nơi mặt đường bị cào nham nhở, dài cả trăm mét, tạo thành những vũng nước lớn khi mưa xuống, khiến lái xe đi vào phần đường này gặp cảnh rung lắc, phải giữ chắc tay lái nếu không muốn nguy hiểm xảy đến.

Lý giải về những vết cào xới dày đặc, ông Đào Quang Tuấn - Giám đốc Ban QLDA Nội Bài - Lào Cai cho biết, đó là cách đơn vị ông khắc phục sự cố hằn vết bánh xe, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Theo đó, hồi giữa năm ngoái, chứng kiến chất lượng đường sá không đảm bảo trên cao tốc này, ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã kiên quyết ra “tối hậu thư”, yêu cầu đơn vị quản lý phải khắc phục các sự cố trước 30.10.2015 nếu không sẽ cho dừng thu phí. “Chỗ nào vệt hằn bánh xe lớn, nghiêm trọng thì chúng tôi bóc đi và thảm lại. Trong trường hợp vết hằn bánh xe nhỏ, để đảm bảo bằng phẳng, thì chúng tôi tiến hành gọt gờ”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, vị giám đốc cũng thừa nhận hình thức xử lý theo kiểu gọt gờ không phải là hình thức xử lý lâu dài. “Sau khi gọt gờ đảm bảo độ bằng phẳng mà vết bánh xe không phát triển nữa thì cứ duy trì thế. Còn bị hằn tiếp thì khi ấy chúng tôi sẽ bóc lên thảm lại. Còn nói cách xử lý như vậy là chính thức hay là tạm thời thì còn phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế hiện trường”, ông Tuấn giải thích thêm.

Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến cách khắc phục đã đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT hay chưa, ông Tuấn khẳng định đã làm đúng, đồng thời cho biết: “Căn cứ trên văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT là tiến hành rà soát, xử lý triệt để vết hằn bánh xe thì bọn tôi hiểu là xử lý triệt để tại thời điểm nó có vết hằn bánh xe. Và bọn tôi xử lý như thế là triệt để rồi!”.

Nhiều địa phương kiến nghị về việc mở trạm dừng đỗ

Ông Đỗ Chí Chung - Chánh Văn phòng Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết có nhiều địa phương đã kiến nghị xin mở thêm đường ra vào cao tốc hoặc các trạm dừng đỗ xe để phục vụ người dân. Trên tinh thần cầu thị tiếp thu, VEC sẽ cân nhắc, xem xét và xin ý kiến của Bộ GTVT. Tuy nhiên, trước mắt, đơn vị này vẫn ưu tiên giải pháp tuyên truyền pháp luật đến người dân, để dần dần hình thành “văn hóa giao thông đường cao tốc”.

Tin cùng chuyên mục