Hoàn thiện cơ chế thanh toán dự án BT tại Dự thảo Luật PPP

(BĐT) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc giải quyết vướng mắc, bất cập khi sử dụng quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Dự kiến, nhà đầu tư BT có thể được thanh toán bằng tài sản công, quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác hoặc bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Ảnh: Lê Tiên
Dự kiến, nhà đầu tư BT có thể được thanh toán bằng tài sản công, quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác hoặc bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Ảnh: Lê Tiên

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế thanh toán dự án BT tại Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Luật PPP) trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai... bảo đảm đồng bộ với Dự thảo Luật PPP về cơ chế, phương thức thanh toán dự án BT và cơ chế đấu giá, sử dụng tài sản công là đất đai để thanh toán hợp đồng BT.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai hợp đồng BT với các quy định chặt chẽ, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng 3 cách thức. Thứ nhất, bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Thứ hai, bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác. Thứ ba, bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công.

Cách thứ ba được bổ sung so với quy định hiện hành theo ý kiến chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về “Nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao”.

Tin cùng chuyên mục