Hơn 67 nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

(BĐT) - Theo dự kiến, trong giai đoạn 2017 - 2020, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ đầu tư vào 27 dự án hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách với tổng kinh phí khoảng 67.336 tỷ đồng.
Trong số 27 dự án hạ tầng giao thông cấp bách mà ĐBSCL dự kiến đầu tư từ nay đến năm 2020, có 4 dự án BOT với tổng mức đầu tư 9.692 tỷ đồng. Ảnh: Thùy Anh
Trong số 27 dự án hạ tầng giao thông cấp bách mà ĐBSCL dự kiến đầu tư từ nay đến năm 2020, có 4 dự án BOT với tổng mức đầu tư 9.692 tỷ đồng. Ảnh: Thùy Anh

Đề xuất sử dụng vốn nhà nước thực hiện 17 dự án

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa cho biết, bộ này đang dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho Bộ để triển khai 17 dự án trong số 27 dự án hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL. Tổng mức đầu tư (TMĐT) của 17 dự án này là 22.645 tỷ đồng.

Hiện 17 dự án này đã trình thẩm định nguồn vốn và tổng hợp vào nhu cầu đầu tư 2016 - 2020. Trong số 17 dự án nêu trên, một số dự án có TMĐT lớn như: Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu (3.000 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 91, đoạn ngã tư Bến xe - Trà Nóc, TP. Cần Thơ (2.295 tỷ đồng); Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (2.243 tỷ đồng)…

Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng để triển khai hoàn thành 6 dự án đang thi công sử dụng nguồn vốn NSNN; đồng thời chi 22.645 tỷ đồng để triển khai khởi công mới 17 dự án sử dụng nguồn vốn TPCP nêu trên.

Trong số 10 dự án còn lại, Bộ GTVT đang triển khai thủ tục đầu tư và xúc tiến kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 34.999 tỷ đồng.  Cụ thể là Dự án Xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 91 đoạn qua TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (2.273 tỷ đồng); Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 (7.500 tỷ đồng); Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2 (7.434 tỷ đồng); Dự án Cầu Rạch Miễu 2 (3.793 tỷ đồng); Dự án Cầu Đại Ngãi (8.000 tỷ đồng); Dự án Logistics ĐBSCL (6.000 tỷ đồng).

Kêu gọi đầu tư 4 dự án BOT

Bộ GTVT cho biết, trong số 27 dự án hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách mà ĐBSCL dự kiến đầu tư từ nay đến năm 2020 thì có 4 dự án BOT với TMĐT 9.692 tỷ đồng. Thứ nhất là Dự án Cầu Châu Đốc với TMĐT 1.200 tỷ đồng. Hiện dự án này đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Thứ hai là Dự án Quốc lộ 62 đoạn Km7 - Km76, tỉnh Long An với TMĐT 1.108 tỷ đồng. Dự án này đã được phê duyệt đề xuất dự án, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chính thức. Dự án thứ 3 là Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với TMĐT 5.964 tỷ đồng. Dự án này đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo về chi phí lãi vay để phê duyệt. Cuối cùng là Dự án Nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với TMĐT 1.420 tỷ đồng. Dự án này đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. 

Ngoài 27 dự án hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách nêu trên, hiện tại Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương sử dụng nguồn vốn TPCP còn dư để triển khai tiếp các hạng mục bổ sung cho 5 dự án. Cụ thể là Dự án Mở rộng Quốc lộ 53 Vĩnh Long; Dự án Xây dựng tuyến Nam Sông Hậu; Dự án Quốc lộ 50 đoạn Mỹ Lợi - Gò Công; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Quán Lộ - Phụng Hiệp và Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Đặc biệt, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương hỗ trợ bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép tăng công suất khai thác cát để có thể đáp ứng nhu cầu cho các dự án đang triển khai trong vùng ĐBSCL. Theo Bộ GTVT, hiện nay nhu cầu cát để thi công các công trình giao thông rất lớn, tuy nhiên thực hiện chủ trương về tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác cát nên nguồn cung cấp cát ngày càng khan hiếm, chỉ đáp ứng khoảng 23% so với nhu cầu. Chính vì thế, giá cát tăng khoảng 200% so với thời điểm tháng 10/2016.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cung cấp các thông tin chính thức, số liệu thực tế của các mỏ cát hiện nay (về trữ lượng và công suất…) để có giải pháp xử lý phù hợp đối với các dự án đang triển khai trong vùng ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục