JICA hỗ trợ thúc đẩy tín dụng nông nghiệp ở Việt Nam

Sáng 18.3 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Hội nghị cấp cao với chủ đề “Hướng tới nền tài chính nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – từ mô hình tỉnh Lâm Đồng".
Các đại biểu tham gia phần thảo luận tại Hội thảo.
Các đại biểu tham gia phần thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả khảo sát mà JICA tiến hành tại tỉnh Lâm Đồng về những thách thức đối với việc mở rộng tín dụng nông nghiệp và những giải pháp do JICA đề xuất để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, tín dụng nông nghiệp được xem như chìa khóa để phát triển nông nghiệp, theo đúng chính sách hiện hành của Chính phủ Việt Nam nhằm khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển được đúng với tiềm năng do nhiều trở ngại trong tiếp cận vốn vay, dẫn đến thiếu hụt đầu tư. Giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp vẫn thấp do ngành công nghiệp chế biến kém phát triển và chưa có được chuỗi giá trị hiệu quả.

Để đảm bảo đạt được mục tiêu cao nhất là "Tăng cường chuỗi giá trị của nông sản", JICA đề xuất một chương trình hỗ trợ toàn diện nhằm giải quyết các vướng mắc hiện tại của khuyến nông như thời hạn vay không ưu đãi, yêu cầu nghiêm ngặt về tài sản thế chấp, xây dựng kế hoạch kinh doanh kém hay gánh nặng vốn đầu tư ban đầu lớn.

Trong chương trình hỗ trợ này, bên cạnh nguồn vốn ODA ưu đãi, JICA sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực của các ngân hàng trong việc thẩm định hồ sơ vay và chủ động giám sát tài sản doanh nghiệp. Đối với người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, chương trình sẽ giúp tăng cường năng lực lập kế hoạch kinh doanh khả thi về mặt tài chính, giúp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn, với mức ưu đãi cao hơn và điều kiện cho vay thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp chính sách khác như bảo lãnh tín dụng, liên kết với đơn vị  cung cấp tín dụng từng phần (trả góp) cũng được kỳ vọng sẽ giảm bớt yêu cầu về tài sản thế chấp và gánh nặng đầu tư ban đầu.

Tin cùng chuyên mục