Kê thuốc cho căn bệnh chậm giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - Nhấn mạnh vai trò của đầu tư công đối với tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường huy động nguồn lực xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp cần coi việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới. Thủ tướng cho rằng, nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch, tăng trưởng còn có thể cao hơn 6,8%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm 2019. Ảnh: Trương Gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm 2019. Ảnh: Trương Gia

Giải ngân chậm chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra ngày 26/9/2019 đã phân tích trực diện vào những nguyên nhân gây chậm giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Trong số nhiều nguyên nhân, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là chính, vì cùng thể chế nhưng địa phương này làm tốt, địa phương khác làm không tốt, nhất là trong điều hành dự án. Thủ tướng nêu rõ, nhiều bộ, nhiều địa phương chưa tập trung thực hiện các giải pháp, không sát sao, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, và chưa phân cấp phân quyền hợp lý, thậm chí còn nhũng nhiễu. 

Không phân tích trực diện nguyên nhân chậm giải ngân, nhưng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh than phiền rằng, thời gian vừa qua có cảm giác một vài nơi, một số cán bộ có biểu hiện cái gì có lợi cho mình thì mới làm.

Sự chần chừ, cố tình làm chậm các thủ tục thực hiện dự án cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu ra như một nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ tổng hợp chỉ theo dõi chung, quan trọng là bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình. Đừng làm dối, làm hỏng, rút ruột công trình, để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Việc chống thất thoát, tiêu cực, đảm bảo chất lượng phải đi cùng với tiến độ.

Đơn cử trong công tác giao kế hoạch vốn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ thì mới có thể giao vốn được.

Làm rõ hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ kế hoạch vốn sẵn sàng để giải ngân ngay từ đầu năm đã đạt 85,5% dự toán Quốc hội giao. Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn phải trải qua trình tự giao kế hoạch bước 2, nghĩa là, các bộ, ngành, địa phương giao kế hoạch vốn chi tiết cho từng dự án, từng đơn vị trực thuộc, từng ban quản lý dự án để triển khai thực hiện. Qua các báo cáo đầu năm cho thấy, việc giao kế hoạch bước 2 này còn chậm, một số nơi đến tận tháng 4/2019 mới giao kế hoạch vốn cho các dự án để đăng ký giải ngân trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) của Kho bạc Nhà nước.

Chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công là “căn bệnh trầm kha, diễn ra hàng chục năm nay, cần có giải pháp để sau hội nghị này sẽ có chuyển biến cách mạng”, Thủ tướng nêu rõ.

Xử lý nghiêm cá nhân làm chậm giải ngân

Sự chủ động, sâu sát của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là giải pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lập danh mục dự án trọng điểm, phân công theo dõi, đôn đốc giải ngân, tháo gỡ vướng mắc.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm, công khai, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở giải ngân. “Khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt phải xem xét việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, điều chuyển cán bộ kém năng lực phụ trách điều hành đầu tư xây dựng cơ bản mà để chậm trễ”, Thủ tướng chỉ đạo. Đồng thời, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định, các trưởng ngành chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa giải ngân hết số vốn được giao.

Khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu, tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, lãnh đạo không nên ôm việc, phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền thì công việc mới nhanh, hiệu quả. Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kết thúc tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Bộ cần đẩy mạnh phân cấp cho các ban quản lý dự án, không “ôm” trên Bộ. Hay chỉ đạo Bộ Xây dựng, Thủ tướng nhấn mạnh, quy định thủ tục làm sao phải thuận lợi nhất cho địa phương, bớt vướng mắc, cái gì phân cấp được thì phân cấp cho địa phương. “Địa phương có sở xây dựng với nhiều kỹ sư, kiến trúc sư, phải giao cho địa phương làm, chứ lên Bộ làm gì”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý, kinh nghiệm một số địa phương phân công cho từng đồng chí lãnh đạo chịu trách nhiệm từng dự án quan trọng cấp bách, gắn trách nhiệm cá nhân vào từng dự án. Các địa phương cũng nên thành lập tổ công tác để đôn đốc, tháo gỡ thường xuyên vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục