Khám sức khỏe nền kinh tế qua xuất nhập khẩu

(BĐT) - Bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam quý I/2016 ghi điểm cộng khi cán cân thương mại của từng tháng và toàn quý đều xuất siêu với mức xuất siêu cả quý đạt 1,37 tỷ USD. Tuy nhiên, đằng sau điểm sáng tích cực này thì hoạt động xuất nhập khẩu đang bộc lộ không ít bất cập và sự mất cân đối.
Kim ngạch nhập khẩu giảm cho thấy sự giảm tốc của nhiều ngành sản xuất quan trọng. Ảnh: Lê Tiên
Kim ngạch nhập khẩu giảm cho thấy sự giảm tốc của nhiều ngành sản xuất quan trọng. Ảnh: Lê Tiên

Xuất khẩu tăng thấp, nhập khẩu giảm

Tính đến hết tháng 3/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I của Việt Nam đạt 38,77 tỷ USD, tăng 6,6%, tương đương tăng 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng rất thấp so với thông lệ và càng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10% như mục tiêu kế hoạch đã được thông qua. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu quý I/2016 tăng thấp là do phần lớn thị trường nhập khẩu truyền thống của hàng Việt Nam trên thế giới đều suy giảm sức mua do khó khăn kinh tế, tiết giảm nhu cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, mặt hàng dầu thô xuất khẩu giảm 52% do diễn biến bất lợi, kéo dài của thị trường nhiên liệu thế giới. Đây là sự thiếu hụt lớn đối với ngân sách, đe dọa tới khả năng tạo nguồn cung ngoại tệ cũng như khả năng tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu sắt thép và sản phẩm sắt cũng giảm 17 - 25% so với quý I/2015. Mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo cũng đối diện với sự sụt giảm về sản lượng do tác động của nạn hạn hán, xâm nhập mặn trên diện tích khoảng 170 nghìn ha.

Trong khi đó, một dấu hiệu khá bất thường khác là hoạt động nhập khẩu quý I lại liên tục diễn biến theo chiều hướng giảm thay vì tăng lên như những năm gần đây. Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu trên cả nước quý I/2016 đạt khoảng 37,4 tỷ USD, giảm 4%, tương đương mức giảm 1,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị đã giảm 14%; chất dẻo, các loại nguyên phụ liệu và nhất là xăng dầu giảm mạnh (giảm 36%) cho thấy sự giảm tốc của một số ngành sản xuất quan trọng và nhu cầu lưu thông hàng hóa.

Sản xuất, kinh doanh gặp khó

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bức tranh này cho thấy lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá trị nhập khẩu đã giảm tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ có vậy, động lực xuất khẩu cũng không còn mạnh, tuy vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Bên cạnh nguyên nhân do sự trì trệ về kinh tế của hầu hết các đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam, thì xu hướng tăng trưởng xuất khẩu trong khi nhập khẩu suy giảm như quý I vừa qua là hiện tượng khá bất thường cần được theo dõi chặt chẽ. 

 Nhiều chuyên gia cho rằng, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, giá trị nhập khẩu thường cao hơn xuất khẩu để phục vụ sự gia tăng của sản xuất trong nước. Vì vậy, sự giảm sút nhập khẩu nhìn chung không phải là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế. Theo TS. Lê Đăng Doanh, đây là vấn đề đáng suy ngẫm bởi tình trạng xuất khẩu chưa thể bứt phá, chỉ tăng rất thấp trong khi nhập khẩu lại giảm mạnh hơn. “Điều này cho thấy nguyên nhân chính vẫn là sự trầm lắng và khó khăn trong hoạt động sản xuất của nhiều ngành, khiến nhu cầu nhập nguyên liệu của DN không thể gia tăng. Bên cạnh đó, mức tồn kho của sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái cũng là một biểu hiện không mấy sáng sủa của nền kinh tế”, ông Doanh nhấn mạnh.

GS. TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam và GS. TS. Lê Du Phong thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đều bày tỏ lo ngại về sự giảm sút trong hoạt động nhập khẩu, vì sự giảm sút thể hiện thiếu năng suất trong hoạt động sản xuất kinh doanh quý I do “làm ít chơi nhiều”. “Quý I làm ít, tăng trưởng thấp, các quý sau phải làm nhiều hơn, nhưng muốn làm nhiều hơn phải tháo gỡ được những khó khăn đang ngày càng lớn như ngân sách căng thẳng, nợ công cao, biến đổi khí hậu và an nguy của ngành nông nghiệp. Đây sẽ là những khó khăn rất lớn mà hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng sẽ phải đối mặt”, GS. Lê Du Phong cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục