Khoảng trống trong quản lý nước sạch

(BĐT) - Từ câu chuyện “sự cố nước nhiễm dầu thải” đối với nguồn nước sông Đà hay giá bán nước của Nhà máy nước sông Đuống đắt đỏ, diễn ra trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, đang tồn tại khoảng trống trong quản lý đối với loại hàng hóa đặc biệt này.
Hiện nay, nước sạch chủ yếu do tư nhân đầu tư kinh doanh. Ảnh minh họa
Hiện nay, nước sạch chủ yếu do tư nhân đầu tư kinh doanh. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Hà thuộc Viện Chiến lược phát triển, các nghiên cứu cho thấy, nước hay những lĩnh vực liên quan đến nước được nhiều quốc gia xác định là hàng hóa cốt yếu cần phải quy hoạch và được bảo vệ do có liên quan đến an ninh quốc gia. Các hình thức kinh doanh nước và giá nước phụ thuộc vào việc xác định nước là hàng hóa gì và mức độ được phép đầu tư của khu vực tư nhân. “Nhà nước phải có quy hoạch, phải bảo vệ nguồn lợi về nước, giống như công trình, sản phẩm phục vụ quốc phòng là hàng hóa công nhưng có thể có các DN tư nhân cung cấp”, ông Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn từ câu chuyện nước nhiễm dầu thải ở Nhà máy Nước sông Đà hay câu chuyện giá nước tăng cao tại Nhà máy Nước sông Đuống gần đây, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, phản ứng của Nhà nước trước những “sự cố” này là rất lúng túng và chậm trễ.

“Chúng ta đang thiếu cơ quan quản lý vì khi xảy ra vấn đề cung cấp nước, giá cả còn nhiều vấn đề thì chưa thấy cơ quan quản lý nào đứng ra trực tiếp chịu trách nhiệm, chưa thấy được đảm bảo tính công bằng”, ông Cung bày tỏ quan điểm. Theo nguyên Viện trưởng CIEM, các cơ quan quản lý hiện chưa làm tốt vai trò này, quy trình kiểm soát chất lượng nước, công bố kết quả giám sát, chia sẻ thông tin như thế nào... vẫn đang rất thiếu.

Việt Nam rất cần cơ quan quản lý chất lượng và giá nước sạch. Trong đó, cơ quan quản lý chất lượng phải độc lập. Nhà nước định giá nước sạch trên nguyên tắc hiệu quả, lợi ích công bằng giữa các bên và đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Đồng tình với quan điểm của ông Cung, chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, Việt Nam đang thiếu khung pháp lý trong quản lý nước sạch. “Trước đây, Bộ Thủy lợi được giao quản lý nước, nhưng trong 10 năm trở lại đây, vấn đề quản lý nước vẫn đang bị bỏ ngỏ. Không biết cơ quan nào của Chính phủ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ Tài Nguyên và Môi trường hay Bộ Xây dựng) đang đứng ra quản lý từ nguồn nước đến quy hoạch, chất lượng…”, ông Sơn chia sẻ.

Về các ý kiến cho rằng không nên tiếp tục để tư nhân tham gia đầu tư vào ngành nước, ông Cung nhìn nhận, xu hướng đầu tư tư nhân sẽ vẫn tiếp diễn, và Nhà nước cần lấp khoảng trống về quản lý nêu trên. “Nước là hàng hóa thiết yếu, độc quyền tự nhiên, nên ai làm cũng cần phải kiểm soát”, ông Cung nói và cho rằng, kiểm soát đầu tiên là giá cả cung cấp. Theo đó, Nhà nước phải định giá trên nguyên tắc hiệu quả, lợi ích công bằng giữa các bên, đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Đồng tình với quan điểm Nhà nước cần quản lý mặt hàng đặc biệt này, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển nhấn mạnh, Việt Nam rất cần cơ quan quản lý chất lượng và giá nước sạch. Trong đó, cơ quan quản lý chất lượng phải độc lập. “Đối với vấn đề giá, cần lưu ý cung cấp với giá hợp lý dưới sự quản lý nhà nước chứ không đơn thuần là lợi nhuận. DN đầu tư có lợi nhuận thỏa đáng, song nếu duy nhất là lợi nhuận thì không ổn, bởi đây là hàng hóa liên quan mật thiết tới sức khỏe con người”, ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục