“Kích hoạt” PPP trong phát triển khoa học và công nghệ

(BĐT) - Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam có nguy cơ sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình. Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước hạn chế, hợp tác công - tư để đầu tư nghiên cứu KHCN, ĐMST được xem là một trong những giải pháp thiết thực nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ tương đương 0,44% GDP

Phát biểu tại Hội nghị về KHCN và ĐMST diễn ra ngày 15/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận, phát triển KHCN và ĐMST của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.

Theo Thủ tướng, năng lực KHCN và ĐMST của chúng ta còn hạn chế và hệ thống ĐMST quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động ĐMST, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp (DN) theo đuổi các chiến lược về ĐMST còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo, sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia.

Trong khi đó, nguồn lực của cả khu vực nhà nước và tư nhân chi cho nghiên cứu phát triển KHCN hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với mức bình quân của thế giới (2,23% GDP). Tỷ lệ này ở các quốc gia trong khu vực như Thái Lan là 0,78%; Singapore là 2,2%; Malaysia là 1,3%, Trung Quốc là 2,1%. Còn ở Thụy Điển, quốc gia này dành tới 3,5% GDP để phát triển ĐMST.

Bình luận về thực trạng này tại Việt Nam, một chuyên gia cho rằng, hoạt động KHCN phần lớn vẫn đang được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Bình quân hàng năm, đầu tư cho hoạt động KHCN chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số tiền này bao gồm rất nhiều khoản chi, cả chi thường xuyên (trả lương...) và chi đầu tư phát triển. Thực tế, khoản tiền trực tiếp chi cho hoạt động đầu tư phát triển KHCN là rất thấp, chỉ khoảng 0,4 - 0,6% GDP. Mặc dù vậy, đây là nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong bối cảnh khó khăn chung.

Chuyên gia nêu trên cũng cho biết, thực tế một số DN đã thành lập bộ phận nghiên cứu KHCN, ĐMST. Đơn cử như mới đây, Vingroup thành lập một viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI)... Tuy nhiên, số lượng DN này vẫn còn khá khiêm tốn.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm của Bộ KH&CN trên 8.000 DN thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo cho thấy, nguồn tài chính dành cho ĐMST của các DN còn rất hạn chế. Trong cơ cấu tài chính cho ĐMST của DN, đa số sử dụng vốn tự có, vốn vay tín dụng... Vốn nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, từ 1 - 2%.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KHCN và ưu tiên chi cho KHCN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí, tính ứng dụng thấp. Các DN cũng cần hiểu rằng đầu tư cho R&D là con đường ngắn nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Hoàn thiện chính sách thu hút nguồn lực xã hội

Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, việc áp dụng mô hình đối tác công tư để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN, ĐMST được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, áp dụng mô hình đối tác công tư sẽ khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ĐMST. Cần thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở KHCN và ĐMST.

“Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích DN hăng hái đầu tư cho R&D, chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, theo Thủ tướng, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KHCN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KHCN và ĐMST.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển KHCN và hoạt động ĐMST, bao gồm Quỹ phát triển KHCN của DN. Khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và ĐMST, nhất là từ DN; trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia...

Tin cùng chuyên mục