Lãi suất vốn vay dự án BOT: Để không phải xin điều chỉnh vì vướng trần

(BĐT) - Nhiều dự án BOT lớn do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thời gian qua gặp vướng mắc về lãi suất vốn vay và đề xuất xin điều chỉnh lãi suất. 
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có nguy cơ “vỡ trận” do chênh lệch lãi suất vốn vay. Ảnh: Lê Tiên
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có nguy cơ “vỡ trận” do chênh lệch lãi suất vốn vay. Ảnh: Lê Tiên

Một số ý kiến cho rằng, việc này sẽ tạo ra tiền lệ “lời ăn lỗ xin điều chỉnh”, giảm giá trị của hợp đồng đã ký kết và giải pháp để không lặp lại câu chuyện này là phải đấu thầu rộng rãi.

Nhiều siêu dự án vướng lãi suất vốn vay

Liên tiếp thời gian gần đây, nhà đầu tư 2 siêu dự án BOT ngành giao thông là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận kêu khó vì lãi suất vốn vay thực tế cao hơn mức lãi suất đã chấp nhận ký tại hợp đồng dự án. Trong khi, vốn vay chiếm tới 85% tổng mức đầu tư dự án, thì sự chênh lệch lãi suất có tác động rất lớn đến nhà đầu tư.

Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng, đã được tái khởi động sau khi gần như “đổi chủ” và ký được hợp đồng tín dụng 10 nghìn tỷ đồng với VietinBank. Tuy nhiên, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) lại phản ánh tiếp nguy cơ “vỡ trận” do chênh lệch lãi suất vốn vay. Cụ thể, tại hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư vào năm 2016, lãi suất vốn vay được ấn định là 8,11%/năm, trong khi thực tế, Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vay ngân hàng với lãi suất lên tới 10,5%/năm để đưa vào Dự án.

Đối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo Bộ GTVT, trong tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng của Dự án, nhà đầu tư phải thu xếp 1.542 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và khoảng 8.126 tỷ đồng từ khoản vay thương mại. Hợp đồng dự án được ký kết ngày 18/11/2016. Theo quy định, nhà đầu tư phải ký hợp đồng vay vốn đủ giá trị trong thời gian tối đa 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng dự án, tức là chậm nhất là ngày 18/1/2017. Tuy nhiên, đến ngày 15/6/2018, hợp đồng tín dụng mới được nhà đầu tư ký kết với VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank với khoản vay tối đa 6.850 tỷ đồng, mức lãi suất vốn vay thả nổi theo thị trường. 

Bộ GTVT cho biết, với lãi suất đi vay thực tế hiện nay theo hợp đồng tín dụng là 10,83%/năm, lãi vay trong thời gian xây dựng là 1.086 tỷ đồng, tăng khoảng 323 tỷ đồng so với lãi suất theo hợp đồng và lãi vay cộng dồn trong thời gian vận hành, khai thác Dự án là 6.516 tỷ đồng, tăng khoảng 3.082 tỷ đồng.

Ngoài dự án này, Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ GTVT đang triển khai thực hiện đầu tư 4 dự án và hạng mục đầu tư bổ sung có lãi suất vay tính bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP), là cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Ba Vì - Việt Trì, cầu Bình Lợi và 4 đoạn trên Quốc lộ 6 bổ sung vào Dự án Cầu Rạch Miễu.

Lo ngại tạo ra tiền lệ xấu

Bộ Tài chính cho biết, Thông tư 75/2017/TT-BTC (TT75) và Thông tư số 30/2018/TT-BTC đã nâng mức khống chế lãi suất vay áp dụng trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư không vượt quá 1,5 lần lãi suất TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã kiến nghị cho phép áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng dự án song quá trình thực hiện có điều chỉnh dự án. Với quy định này, Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn đã phê duyệt điều chỉnh dự án (bổ sung 30 km đoạn Lạng Sơn - Chi Lăng) và cập nhật mức lãi suất không quá 1,5 lần.

Đối với Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án xử lý.

Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư hiện nay vì đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng về huy động vốn vay. Tuy nhiên, theo phương án này thì phải lựa chọn nhà đầu tư mới, sẽ không thể kịp hoàn thành trong năm 2020.

Phương án 2 là điều chỉnh lại mức lãi suất, Bộ GTVT rà soát, đánh giá và chịu trách nhiệm toàn diện về tính khả thi về phương án tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án sau khi áp dụng mức lãi suất mới để báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, Hợp đồng dự án. Trường hợp Chính phủ cho phép điều chỉnh, Bộ GTVT chịu trách nhiệm cập nhật nội dung về lãi suất, tham khảo lãi suất vốn vay trung, dài hạn tối thiểu 3 ngân hàng thương mại trong nước để cập nhật. Với phương án 2, Bộ Tài chính cũng có e ngại có thể phát sinh trường hợp khác tương tự.

Thực tế, các dự án BOT giao thông gặp vướng mắc về vốn vay như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận đều là những dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, vì khi chỉ định nhà đầu tư thì phải theo quy định về trần lãi suất và từ đó mới dẫn đến những phát sinh về sau.

Một chuyên gia về PPP cho rằng, để tránh những trường hợp phải xử lý theo kiểu tình huống tương tự những dự án này, thời gian tới cần đấu thầu rộng rãi dự án BOT theo tiêu chuẩn đầu ra. Khi đó, lãi suất sẽ do chính nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu, theo tính toán của chính nhà đầu tư, sát với thị trường và chấp nhận lời ăn lỗ chịu.

Bộ Tài chính cho biết, để hướng dẫn Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Bộ đã lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư thay thế TT75, trong đó quy định lãi suất áp dụng đối với các dự án PPP triển khai mới sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay trung bình của một số ngân hàng thương mại. Mức lãi suất này làm cơ sở để các bộ, địa phương phê duyệt dự án, hồ sơ mời thầu, lãi suất chính thức là lãi suất do các nhà đầu tư trúng thầu bỏ trong hồ sơ dự thầu.

Tin cùng chuyên mục