Luật mâu thuẫn nhau, dự án khó triển khai

(BĐT) - Theo nhiều địa phương, không ít dự án đầu tư gặp khó khăn trong triển khai do những quy định khác nhau giữa một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Đồng thời, sự thiếu hụt, chậm ban hành một số văn bản pháp lý quan trọng cũng đang làm khó địa phương trong thu hút đầu tư tư nhân.
Giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đối với dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị có nhiều khác biệt gây lúng túng trong triển khai. Ảnh: Lê Tiên
Giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đối với dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị có nhiều khác biệt gây lúng túng trong triển khai. Ảnh: Lê Tiên

Vướng vì những quy định khác nhau

Theo ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, quy định thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường chưa thống nhất. Theo Luật Bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án. Tuy nhiên, Luật Đầu tư chỉ yêu cầu báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường trong đề xuất dự án.

Ông Lý Thái Hải cho rằng, việc thực hiện thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không phù hợp với thực tế triển khai dự án đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp do các thông tin liên quan đến dự án để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tại thời điểm nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án chỉ mang tính chất sơ bộ, nhà đầu tư mới chỉ đề xuất địa điểm và chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, do vậy chưa đủ điều kiện để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đây cũng là một trong những vướng mắc mà TP. Đà Nẵng gặp phải. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lấy ví dụ về Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Thành phố dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng đến nay, Dự án không thể triển khai theo hình thức này vì những vướng mắc về quy định pháp lý. Cụ thể, trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch dự án phát điện và thực hiện giải trình theo Luật Chuyển giao công nghệ, nhưng tại thời điểm này chưa thể thực hiện các công việc trên vì chưa lựa chọn được công nghệ đề xuất. Do đó, Thành phố dự kiến sẽ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư chưa quy định về việc đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư, và phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu không có các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đà Nẵng đang xin ý kiến các bộ, ngành để có hướng dẫn về việc triển khai đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án này.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đối với dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị có nhiều khác biệt gây lúng túng trong triển khai. Đơn cử, về cơ quan đầu mối chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, theo Luật Đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng theo Luật Nhà ở là Sở Xây dựng. Về thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư, về phương thức lựa chọn nhà đầu tư cũng có khác biệt.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong quá trình xử lý hồ sơ đầu tư nhà ở, tỉnh Đồng Nai còn gặp khó khăn trong việc vận dụng thực hiện các nội dung như: tiêu chí xác định các khu đất có giá trị thương mại cao để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hay khu đất dự án còn có đất công nhỏ lẻ xen kẽ, hoặc đất kênh rạch, sông suối, đường mòn không thể đấu giá, đấu thầu...

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra gần đây, lãnh đạo nhiều địa phương kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ giúp tháo gỡ được nhiều chồng chéo, vướng mắc thời gian qua. 

Hoàn thiện hành lang pháp lý để thu hút vốn tư nhân

Bên cạnh những chồng chéo giữa một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng, nhiều địa phương cho biết, một số văn bản pháp lý chậm ban hành cũng ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư, triển khai dự án của địa phương.

Ông Nguyễn Doãn Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, các dự án BT trên địa bàn Thành phố đang dừng triển khai thực hiện theo Văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Nhiều địa phương cũng chung đề xuất này, vì hầu hết đang dừng thanh toán cho nhà đầu tư BT để chờ hướng dẫn.

Ngoài ra, nhiều địa phương đang rất trông chờ Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành. Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Thành phố rất ủng hộ nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP do đã khắc phục được một số vướng mắc, rút ngắn được một số thủ tục.

Bên cạnh tháo gỡ vướng mắc trong khung pháp lý hiện hành, nhiều địa phương cũng kỳ vọng vào Dự Luật PPP đang được xây dựng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Hải Phòng và nhiều địa phương đánh giá thu hút đầu tư tư nhân theo hình thức PPP là một kênh quan trọng để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Do đó, kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện khung pháp lý, các quy định chính sách, pháp luật có liên quan, chú trọng bố trí nguồn lực tài chính để triển khai các dự án PPP.

Tin cùng chuyên mục