Luật phải “động” theo yêu cầu thực tiễn

(BĐT) - Thực tiễn triển khai thi hành Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 thời gian qua cho thấy sự không tương thích, mâu thuẫn giữa 2 luật này với các luật chuyên ngành khác, gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, đề xuất xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đã được đưa ra. Xung quanh câu chuyện này, Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Nhiều chính sách có doanh nghiệp tham gia xây dựng đã phù hợp với thực tiễn hơn. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều chính sách có doanh nghiệp tham gia xây dựng đã phù hợp với thực tiễn hơn. Ảnh: Tiên Giang

Mới đây, VCCI cùng một số cơ quan đã đề xuất xây dựng một luật để sửa nhiều luật. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự cần thiết phải ban hành luật này?

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trước hết chúng ta phải cải cách thể chế, cụ thể là khung khổ pháp lý về đầu tư, kinh doanh. Thực hiện cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ nằm ở Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, mà còn nằm ở hàng loạt luật chuyên ngành khác. Bước đầu, sau khi rà soát 37 luật chuyên ngành có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, VCCI đã phát hiện hàng trăm quy định mà cộng đồng kinh doanh thấy bất hợp lý.

Trong khi đó, lâu nay, thường một bộ luật được ban hành sau khoảng thời gian (5 - 6 năm) đi vào cuộc sống, các cơ quan xây dựng luật mới thực hiện tổng kết, đánh giá và thực hiện sửa đổi, bổ sung. Song trên thực tế, có không ít quy định ngay sau khi ban hành đã trở nên bất hợp lý, nhưng không thể sửa đổi ngay được. Chính sự chậm trễ này vô hình trung tạo nên một rào cản đối với doanh nghiệp.

Hơn nữa, có một số lập luận rất cứng nhắc là các luật phải ổn định, nhưng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cùng với quá trình hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế thì yêu cầu cần sửa đổi hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với tình hình mới là rất cấp thiết. 

Luật phải “động” theo yêu cầu thực tiễn ảnh 1
Ông Vũ Tiến Lộc
Đã từng có tiền lệ xây dựng một luật để sửa nhiều luật chưa, thưa ông?

Trước đây, chúng ta cũng có tiền lệ xây dựng một luật thuế để sửa đổi nhiều luật thuế, đã gỡ bỏ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Lần này, VCCI kiến nghị Quốc hội đưa Đề án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình xây dựng pháp luật của năm 2016 để sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ những quy định bất hợp lý, gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết này đã được sửa đổi, bổ sung hàng năm để đáp ứng yêu cầu của phát Trong thời gian tới, tôi đề nghị hàng năm Quốc hội đều đưa Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình xây dựng luật.

Ông đánh giá thế nào về tốc độ sửa đổi, bổ sung những quy định về đầu tư, kinh doanh làm khó doanh nghiệp thời gian qua?

Việc sửa đổi, bổ sung những quy định đó diễn ra với “tốc độ rùa”, bất cập này đã gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi nhấn mạnh là sự ổn định của luật chỉ là tương đối, thay đổi những quy định trong luật cho phù hợp mới là tuyệt đối, nhằm bảo đảm một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ phục vụ, chứ không phải là Chính phủ kiểm soát. Luật cũng phải động theo yêu cầu của thực tiễn, miễn là tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. 

Ông có đánh giá gì về hiệu quả sơ bộ của việc rà soát pháp luật về điều kiện kinh doanh vừa qua?

Trong quá trình rà soát pháp luật về điều kiện kinh doanh để nâng từ thông tư lên nghị định vừa qua chúng tôi phát hiện một bất cập là ngay trong những điều kiện kinh doanh đã được quy định trong Danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014 hiện không còn phù hợp với thực tiễn, cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, VCCI kiến nghị loại bỏ gần 30 điều kiện kinh doanh trong Danh mục này. Ngoài ra, VCCI cũng kiến nghị loại bỏ hàng loạt quy định pháp luật chuyên ngành còn bất hợp lý…

Trong thời gian, trong quá trình xây dựng các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh đã có “công nghệ mới”, tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình này. Với cách làm như vậy, hàng trăm quy định cụ thể trong các dự thảo nghị định trình lên Chính phủ đã được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Để có cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, vào ngày 11/8 tới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ tổ chức Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh”. Tại hội thảo này sẽ trình bày một số vấn đề pháp lý về đầu tư, kinh doanh, hệ quả và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Hội thảo cũng tạo diễn đàn để các cơ quan thực thi, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện.

Tin cùng chuyên mục