Lượng hóa hiệu quả dự án đầu tư công

(BĐT) - Nhiều vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu thể chế quản lý đầu tư công chưa được giải quyết, dẫn đến chất lượng của thể chế quản lý đầu tư công Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 chưa đạt được như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chất lượng thẩm định, đánh giá dự án còn hạn chế

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2011-2015, việc tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như tỷ trọng đầu tư công giảm dần, đầu tư ngoài nhà nước tăng lên. Tuy nhiên, CIEM cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu thể chế quản lý đầu tư công chưa được giải quyết, nhất là ở khâu thẩm định, đánh giá định lượng lợi ích và chi phí kinh tế - xã hội, sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án đầu tư công và khâu đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí khi thực hiện dự án. Do đó, nguy cơ tái diễn đầu tư phân tán, dàn trải và kém hiệu quả còn rất lớn.

Kết quả đánh giá về chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Quỹ Tiền tệ quốc tế mới đây cho thấy, điểm số chất lượng hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, Việt Nam kém hơn ở khâu thẩm định và sắp xếp ưu tiên dự án đầu tư công và khâu thực hiện dự án đầu tư công.

Bàn về chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư công, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần cho rằng, chất lượng của công tác thẩm định vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là bộ lọc nhằm sàng lọc, loại bỏ các dự án đầu tư không khả thi, không hiệu quả kinh tế - xã hội. Ông Tráng quan ngại, nhiều dự án đầu tư công phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, trong đó có nhiều dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lớn làm giảm hiệu quả đầu tư hoặc không còn hiệu quả đầu tư.

Một báo cáo giám sát về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư năm 2014 vừa được cơ quan kiểm toán hoàn thiện đã chỉ ra rằng, vẫn còn khá nhiều hạn chế, tồn tại trong hoạt động này. Đơn cử như một số dự án lập quy hoạch không phù hợp với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh như quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng lập không phù hợp với nhu cầu sử dụng theo công năng dự án nên diện tíchsử dụng phải điều chỉnh tăng hơn 40% và phải điều chỉnh 4 lần. Một số dự án lại xảy ra tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, không hợp lý dẫn đến phải điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư như: Dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao điều chỉnh tổng mức đầu tư tới 4 lần (từ 1.036,4 tỷ đồng lên 1.797,2 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Xi măng Tây Ninh điều chỉnh từ 2.813 tỷ đồng lên 3.814,2 tỷ đồng…

Cần lượng hóa hiệu quả dự án đầu tư công

Việc lượng hóa các chi phí sẽ giảm thiểu tối đa lãng phí trong hoạt động đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng tiền thuế của người dân.
Trước bối cảnh hiệu quả các dự án đầu tư công chưa được như mong đợi, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế,  Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng trung bình khá trong nhóm nước đang phát triển theo các đánh giá, phân loại của các tổ chức quốc tế.Dự thảo Đề án nhấn mạnh: “Tập trung đổi mới căn bản thể chế huy động, phân bổ, quản lý các nguồn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, hướng theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, từng bước đảm bảo các nguyên tắc hiệu quả, khoa học và khách quan”. “Hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Ban Chính sách đầu tư thuộc CIEM cho rằng: “Cần phải hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công. Nếu không có thể chế quản lý đầu tư công đúng đắn, tiềm năng lãng phí đầu tư công và đầu tư kết cấu hạ tầng là rất lớn. Thể chế quản lý đầu tư công tốt sẽ là yếu tố then chốt để tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả”. Theo hướng này, ông Thắng đề xuất: “Tới đây tất cả các dự án đầu tư công phải được lượng hóa, bởi đây là lựa chọn tốt nhất nhằm đổi mới việc lập dự án, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư công một cách hiệu quả. Khi một dự án được tính toán có lợi ích kinh tế lớn hơn chi phí thì cơ quan có thẩm quyền mới xem xét quyết định đầu tư. Và ngược lại, nếu dự án mà có chi phí lớn nhưng lợi ích không đem lại bao nhiêu thì cần được cân nhắc kỹ lưỡng”.

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM công bố vừa qua cũng đề cập: Cần phải có một một phương pháp lượng hóa các chi phí (CBA) nhằm xác định tính cần thiết trong triển khai một dự án đầu tư công. Thông lệ quốc tế từng nhấn mạnh, việc lượng hóa các chi phí sẽ giảm thiểu tối đa lãng phí trong hoạt động đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng tiền thuế của người dân.

Tin cùng chuyên mục