Lý giải sức hút đầu tư vào du lịch

(BĐT) - Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian gần đây nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung triển khai nhiều biện pháp kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cũng còn không ít vướng mắc và tồn tại.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong những tháng đầu năm 2016, các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Quảng Trị, Bình Định đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch. Qua đó, đưa ra hơn 200 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển du lịch. Không chỉ năm 2016 mà từ giai đoạn 2010 - 2015, nhiều địa phương trong cả nước cũng đạt được nhiều kết quả khả quan trong thu hút đầu tư vào du lịch.

Theo TS. Nguyễn Trung Nhật, có nhiều nguyên nhân tạo nên sức hút đầu tư vào du lịch, ví dụ như xu hướng hợp tác toàn diện giữa các nước và lượng khách đi du lịch liên tục gia tăng trong những năm qua đã tạo cơ hội phát triển cho du lịch Việt Nam. Nhu cầu của khách du lịch có xu hướng thay đổi với ưu tiên các loại hình du lịch, dịch vụ thân thiện môi trường; các điểm đến an toàn và khám phá thiên nhiên hoang sơ... khiến Việt Nam trở thành điểm đến được yêu thích.  

Dự án du lịch ít tạo hiệu ứng tiêu cực về môi trường, xã hội và có tính phát triển bền vững, mang lại hiệu suất kinh tế cao đã khiến các địa phương chuyển hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Các địa phương cũng nhận thấy du lịch là ngành kinh tế đặc biệt, có tác dụng thúc đẩy phát triển các ngành nghề liên quan như vận tải, thương mại và một số dịch vụ phụ trợ (thông tin liên lạc, ngân hàng...).

Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Viet Nam của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cho thấy, với mức 6,6% đóng góp cho GDP, du lịch Việt Nam đứng thứ 40/184 nước về quy mô đóng góp trực tiếp vào GDP và xếp thứ 55/184 nước về quy mô tổng đóng góp vào GDP quốc gia. Cụ thể, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP).
Ngoài ra, xu hướng tâm lý du khách ngày càng đa đạng trong hưởng thụ đã giúp cho địa phương không có tiềm năng về cảnh quan, nhưng có thế mạnh về lễ hội, văn hóa có cơ sở kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, trong khi các dự án công nghiệp phải chịu nhiều nhiều loại thuế, phí về môi trường… thì dự án du lịch lại ngược lại.

Tận dụng những lợi thế sẵn có, nhiều tỉnh, thành đã thu hút được những dự án đầu tư quy mô lớn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, nhiều địa phương cũng gặp không ít vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư hay triển khai dự án.

Cụ thể, có địa phương chưa xác định được điểm nhấn cho du lịch, thiếu kinh nghiệm phát triển thị trường nên gặp nhiều khó khăn và làm tăng chi phí về công tác định hướng, xây dựng kế hoạch marketing, chương trình quảng bá xúc tiến. Một số địa phương lại gặp phải tình trạng mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng du lịch, như việc tập trung quá mức vào phân khúc khách cao cấp mà bỏ quên phân khúc khách bình dân, vốn có nhu cầu khá lớn.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu các địa phương ưu ái quá mức cho nhà đầu tư về chính sách thuê đất, thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật… và không tính toán cẩn trọng, sẽ dễ dẫn tới tình trạng mất hài hòa, nhà đầu tư lãi 10, địa phương chỉ lãi 1.                       

Tin cùng chuyên mục