Mất cân đối đầu tư các loại hình vận tải

(BĐT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải là do mức đầu tư cho các loại hình đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không còn quá thấp so với đầu tư cho đường bộ.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận chuyển đường bộ. Ảnh: Minh Hoa
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận chuyển đường bộ. Ảnh: Minh Hoa

Đầu tư đường bộ chiếm gần 90%

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, năm 2017, thị phần của 5 lĩnh vực vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đã có sự chuyển dịch nhưng vẫn chậm, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các lĩnh vực vận tải khác.

Cụ thể, năm 2017, vận tải hàng hóa qua đường bộ chiếm thị phần gần 77,5% và vận tải hành khách chiếm hơn 94%. Trong khi đó, chi phí vận tải đường bộ hiện nay ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Ví dụ, theo tính toán, chi phí vận chuyển một container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.HCM khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết, tuy thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển gấp 2,5 - 3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ, nhưng chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5 - 1/6 so với vận chuyển bằng đường bộ.

Còn theo con số thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, năm 2016, khối lượng hàng hóa vận chuyển theo đường bộ chiếm 77,2% thị phần, mặc dù vận tải đường bộ có giá thành cao, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa và đường biển chỉ chiếm lần lượt là hơn 17% và hơn 5% thị phần; cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,4% thị phần và đường hàng không chỉ chiếm 0,02% thị phần.

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải là do mức đầu tư cho 4 loại hình vận tải còn lại quá thấp so với đầu tư đường bộ. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư cho đường bộ chiếm tỷ trọng gần 90% tổng nguồn lực đầu tư cho ngành GTVT, trong khi mức đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm gần 2,8%; đường thủy nội địa chiếm hơn 2,2%; hàng hải chiếm gần 3,6% và đầu tư cho hàng không chiếm 1,5% tổng nguồn lực đầu tư. 

Cần phát triển vận tải đa phương thức

Đánh giá về những tồn tại làm tăng chi phí vận tải hiện nay, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là tổ chức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy được hết lợi thế của các phương thức vận tải, chưa phát triển được vận tải đa phương thức trên các hành lang.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc các chủ xe chở quá tải trọng để cạnh tranh làm “méo mó” thị trường vận tải cũng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vận tải đường bộ có thị phần quá cao.

Mỗi phương thức vận tải hàng hóa có những ưu, nhược điểm cũng như phạm vi sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, vận tải đường bộ có ưu điểm là tính cơ động cao, có thể vận chuyển từ cửa đến cửa. Tuy nhiên, giá thành cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vận tải đường thủy nội địa và đường biển thích hợp với vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng với chi phí vận tải thấp, song phải phụ thuộc vào luồng tuyến và thời gian vận chuyển không nhanh. Vận tải đường sắt thì phù hợp vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, giá thành thấp, tuy nhiên, tính cơ động của loại hình vận tải này cũng không cao (không thể vận chuyển từ cửa đến cửa nếu không kết nối với vận tải đường bộ). Còn vận tải hàng không có ưu điểm là nhanh, phù hợp vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, tuy nhiên không thể vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn vì chi phí vận tải cao.

Bộ GTVT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Đặc biệt, sẽ tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện và công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng, xây dựng công trình giao thông, hệ thống kho bãi, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị bốc xếp để đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức.

Tin cùng chuyên mục