Nan giải bài toán vốn cho kết cấu hạ tầng

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. 
Để giải bài toán huy động vốn cho phát triển hạ tầng, phải coi trọng mối quan hệ đối tác công – tư. Ảnh: Lê Tiên
Để giải bài toán huy động vốn cho phát triển hạ tầng, phải coi trọng mối quan hệ đối tác công – tư. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội thảo, vấn đề được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm là giải pháp huy động nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Đầu tư nhiều nhưng chưa đồng bộ

Trong 5 năm qua, nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng (đặc biệt là trong giao thông, cấp điện…) được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và được rà soát điều chỉnh sớm đi vào khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả đầu tư. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng nâng lên đáng kể. Các công trình kết cấu hạ tầng đã từng bước hiện đại và đảm bảo kết nối. Hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm có quy mô lớn đang được tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn đầu tư dứt điểm để sớm hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng như cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, các tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ…

Tuy nhiên, hiện nay kết cấu hạ tầng đang bị mất cân đối cơ bản. Đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá: “Bản thân ngành giao thông đã mất cân đối giữa các dự án hạ tầng ở các loại hình giao thông được đầu tư chưa tương xứng. Bên cạnh đó, còn có tình trạng hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối dẫn đến chưa phát huy hiệu quả kinh tế của đầu tư”.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo, chúng ta không thể duy trì cách đầu tư cho kết cấu hạ tầng như hiện nay. Sự thiếu đồng bộ, yếu về kết nối đã lộ rõ qua thời gian. Lĩnh vực kết cấu hạ tầng không đơn thuần là giải bài toán về kinh tế, kỹ thuật, mà còn liên quan đến an ninh, ngoại giao quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng như hiện nay, đầu tư kết cấu hạ tầng phải tính đến yếu tố đồng bộ, kết nối để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho quốc gia. 

Khó khăn về huy động vốn

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, đầu tư kết cấu hạ tầng phải tính đến yếu tố đồng bộ, kết nối để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư
Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952.721 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, cần đa dạng hóa các hình thức, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng.

Ông Lê Bá Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển GTVT nhận định, tình hình huy động các nguồn vốn ngày càng khó khăn. “Nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang có xu hướng giảm; nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, các khoản vay thương mại của các doanh nghiệp nhà nước không thể tăng cao do áp lực trần nợ công. Huy động vốn từ khu vực tư nhân trong nước tuy đã có dấu hiệu khả quan ở mảng đường bộ và cảng biển, nhưng đã bộc lộ hạn chế là chủ yếu huy động được với dự án quy mô nhỏ và vừa, do năng lực tài chính của doanh nghiệp trong nước không lớn.

Trong khi đó, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ quan ngại về tình trạng nhiều dự án chưa huy động được các nguồn vốn đầu tư khác cũng như xã hội hóa. Còn đại diện Sở Xây dựng Long An chia sẻ: “Nguồn vốn quy hoạch, nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa nhiều, còn dàn trải, nhất là việc đầu tư cho các công trình có tính chất động lực nhằm thúc đẩy sự phát triển đô thị và thu hút đầu tư xã hội hóa sẽ là bài toán hóc búa cho giai đoạn tới”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, để giải bài toán huy động vốn cho phát triển hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020, phải coi trọng mối quan hệ đối tác công - tư. “Chúng ta phải có giải pháp cụ thể, chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút tiềm lực của khu vực tư nhân, cả trong nước lẫn ngoài nước. Tìm được tiếng nói chung giữa khu vực công và tư, cân đối tỷ lệ đầu tư như thế nào… Đây mới là chìa khóa cho bài toán tài chính nan giải cho đầu tư kết cấu hạ tầng” - ông Thắng phân tích và đề xuất.

Tin cùng chuyên mục