Nghị định mới về PPP: Giảm thủ tục, tăng công khai

(BĐT) - Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15/2015) có nhiều sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án PPP, cả về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. 
Quy định mới của Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án, tăng hiệu quả đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Quy định mới của Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án, tăng hiệu quả đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Trong đó, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ động đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được doanh nghiệp đánh giá cao trong nỗ lực chung về cải cách thủ tục hành chính. 

Thủ tục không cần thiết nhưng mất thời gian

Theo NĐ 15/2015, Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với các dự án PPP quan trọng quốc gia, dự án của các bộ, ngành và dự án trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trở lên. UBND tỉnh cấp GCNĐKĐT các dự án nhóm A, B, C thuộc địa phương mình. Thời hạn cấp GCNĐKĐT tối đa 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

NĐ 15/2015 không quy định cơ quan cấp GCNĐKĐT phải thực hiện nhiệm vụ thẩm tra hồ sơ dự án trước khi cấp. Tuy nhiên, Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT yêu cầu có nhiệm vụ thẩm tra, như quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP trước đây.

Theo Bộ KH&ĐT, thực tiễn triển khai xảy ra một số vướng mắc. Một số nhà đầu tư phản ánh thủ tục cấp GCNĐKĐT thường kéo dài vì phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan và thực hiện thẩm tra, làm chậm tiến độ thực dự án.

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 chia sẻ, thực tế thực hiện thủ tục xin cấp GCNĐKĐT Dự án BOT Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 mất đến vài năm. Nhà đầu tư phải làm hồ sơ xin ý kiến rất nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, một số sở ngành địa phương như Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường,...

Ngoài ra, theo ông Thành, thủ tục cấp GCNĐKĐT được thực hiện sau khi các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu, đàm phán và ký kết thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư, nên việc thẩm tra lại ở bước cấp GCNĐKĐT là thủ tục thừa.

Bộ KH&ĐT cũng nhận định, việc thẩm tra lại dự án PPP khi đã hoàn tất giao dịch theo thị trường sẽ không đảm bảo tính khoa học. Trong quá trình triển khai, dự án đã thực hiện lấy ý kiến các sở, ngành liên quan trong các quá trình nghiên cứu, lập dự án; lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu; đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư. UBND cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng, đồng thời là cơ quan thẩm tra và cấp GCNĐKĐT. Vì vậy, việc tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm tra, cấp GCNĐKĐT là không cần thiết.

Thông lệ quốc tế như trong quy định tại các luật của Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Singapore, Australia... đều không quy định việc cấp GCNĐKĐT đối với dự án PPP. Thay vào đó, hợp đồng PPP được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất của dự án. 

Bỏ thủ tục đi đôi với tăng cường công khai thông tin

Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định thay thế NĐ 15/2015, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp GCNĐKĐT đối với dự án PPP trên tinh thần phải đơn giản hóa thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, NĐ 63/2018 đã bãi bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT. Đồng thời, lược bỏ quy định về ký kết thỏa thuận đầu tư do tài liệu này chỉ nhằm mục đích phục vụ việc thẩm tra GCNĐKĐT của cơ quan cấp giấy.

Để lấp khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển tiếp, NĐ 63/2018 quy định trong giai đoạn chuyển tiếp, Dự án đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc thỏa thuận đầu tư được ký trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT thì không phải thực hiện thủ tục này. Các bên tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng theo quy định của Nghị định này. Dự án đã được cấp GCNĐKĐT trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo nội dung quy định tại GCNĐKĐT. Trường hợp cần điều chỉnh dự án, các bên thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án phù hợp với quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh GCNĐKĐT. Trường hợp hợp đồng dự án sau khi điều chỉnh có nội dung khác biệt với GCNĐKĐT đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì các bên thực hiện theo Hợp đồng dự án được điều chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều chỉnh đó.

Có một số ý kiến cho rằng nếu bãi bỏ thủ tục này, các thông tin về dự án và hợp đồng dự án sẽ không được công khai cho bên thứ ba, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước về PPP không thực hiện được trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

Để khắc phục vấn đề phát sinh từ việc bãi bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT này, đảm bảo thông tin về hợp đồng dự án là công khai hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng trong giám sát, NĐ 63/2018 đã bổ sung quy định về công khai thông tin hợp đồng dự án. Theo đó, các thông tin cơ bản của hợp đồng dự án sẽ bắt buộc phải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành cho rằng, quy định mới này của NĐ 63/2018 sẽ giúp nhà đầu tư bớt đi rất nhiều gánh nặng thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai dự án, đồng nghĩa với tăng hiệu quả đầu tư. Chắc chắn không chỉ ông Thành, người đã kinh qua rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT cho 1 dự án BOT, cảm thấy vui mừng với quy định này, mà đây chắc chắn sẽ là tin vui đối với cộng đồng nhà đầu tư PPP nói chung.

Tin cùng chuyên mục