Nguy cơ gia tăng nợ xấu từ dự án BOT

(BĐT) - Với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án BOT đã và đang rơi vào tình trạng doanh thu thu phí thấp xa so với phương án tài chính, đẩy nhà đầu tư vào tình thế khó khăn, bế tắc, với các khoản vay tín dụng hàng nghìn tỷ cho dự án đang bên bờ vực nợ xấu.
Nguồn thu của nhiều dự án BOT không đảm bảo trả nợ vốn vay theo phương án tài chính ban đầu. Ảnh: Lê Tiên
Nguồn thu của nhiều dự án BOT không đảm bảo trả nợ vốn vay theo phương án tài chính ban đầu. Ảnh: Lê Tiên

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36 (nhà đầu tư) với khoản tín dụng trị giá 995 tỷ đồng mà VietinBank đã giải ngân cho Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km 17+027 - Km 50 trên địa bàn tỉnh Bình Định và đoạn Km 108 - Km 131+300 trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo hình thức BOT (Dự án BOT Quốc lộ 19) trong giai đoạn 2013 - 2015. Nếu không được các cơ quan chức năng chấp thuận, nhiều khả năng VietinBank sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu đối với Tổng công ty 36 tại dự án này.

Dự án BOT Quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, trong đó vốn của Nhà đầu tư là 279,5 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng và vốn khác là 1.180,5 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn là 20 năm 6 tháng 19 ngày; việc thu phí hoàn vốn đầu tư Dự án từ ngày 1/6/2016.

Thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, qua hơn 3 năm, doanh thu thu phí của Dự án có chiều hướng giảm do thay đổi chính sách từ cơ quan nhà nước. Cụ thể, ngày 15/9/2015, Bộ Tài chính ra Thông tư số 146/2015/TT-BTC giảm giá phí so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013. Đây là một nguyên nhân phá vỡ phương án tài chính ban đầu của Hợp đồng BOT. Ngày 12/9/2016, Bộ Tài chính lại ban hành Thông tư 136/TT-BTC quy định mức thu phí đường bộ mới giảm so với mức thu phí tại Thông tư 146/2015/TT-BTC. Một lần nữa doanh thu từ việc thu phí Dự án BOT Quốc lộ 19 lại giảm thêm. Từ năm 2018 đến nay, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 chỉ đạt 87% so với phương án tài chính ban đầu và riêng 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%.

Theo Phụ lục Hợp đồng BOT đã ký với Nhà đầu tư, mỗi năm tăng giá thu phí 3%, ba năm tăng giá một lần tương đương 9%. Tuy nhiên, Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại quy định biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ nên không thể tăng được giá vé theo Hợp đồng BOT.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu nhiều nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5 km xung quanh trạm thu phí, điều này cũng làm giảm doanh thu thu phí của Dự án khoảng 5%. Bên cạnh đó, thất thoát tiền thu phí của Dự án còn do người dân địa phương tự ý mở đường tránh trạm thu phí. Theo Hợp đồng tín dụng với VietinBank, thời hạn cho vay Dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng 19 ngày, dẫn đến không cân đối được thu chi.

Đại diện Tổng công ty 36 cho biết, số thu thực tế không đủ để trả nợ gốc và lãi ngân hàng (từ ngày 1/6/2016 đến 30/5/2019, Tổng công ty 36 đã phải bù đắp thiếu hụt trả nợ ngân hàng số tiền 92 tỷ đồng; Doanh nghiệp dự án lỗ năm 2016, 2017, 2018 là 65 tỷ đồng). 

Ở nhiều diễn đàn, rất nhiều nhà đầu tư BOT cũng bày tỏ thái độ bức xúc. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc thường xuyên thay đổi chính sách đầu tư BOT theo hướng quản lý vốn ngân sách nhà nước gây ảnh hưởng lớn đến việc quản lý dự án của nhà đầu tư BOT. Đầu vào của phương án tài chính được tính toán và có cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hỗ trợ vốn, trạm thu phí, cam kết hợp tác trong hợp đồng dự án… nhưng trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thực hiện như các cam kết đã ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT, không đấu tranh bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. Trong thời gian vận hành dự án lại xuất hiện thêm các quy định mới gây áp lực, khó khăn về tài chính cho dự án BOT. Hiện nay, nhà đầu tư BOT không được cơ quan quản lý nhà nước đối xử bình đẳng đúng tinh thần hợp tác công - tư như là một bên của hợp đồng dự án BOT. 

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT là 108.578 tỷ đồng (chiếm 73,62% dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực giao thông), tăng 1,24% so với ngày 31/12/2018. Dư nợ tín dụng của các dự án BOT, BT đang có xu hướng tăng cao do nhiều dự án BOT trước đây ngân hàng cho vay trong hợp đồng BOT có lộ trình tăng phí theo chu kỳ 3 năm/lần nhưng chưa thực hiện được do chính sách điều chỉnh giảm mức phí đường bộ, chưa kể đến những dự án vấp phải sự phản đối của người sử dụng dịch vụ đường bộ trong quá trình thu phí. Theo đó, nguồn thu của các dự án BOT không đảm bảo trả nợ vốn vay theo phương án tài chính ban đầu, dẫn đến phải kéo dài thời gian hoàn vốn, ngân hàng phải cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những khúc mắc tại các dự án BOT giao thông, con số về nợ xấu của các ngân hàng sẽ không thể dừng lại mà còn tăng thêm nhiều nghìn tỷ trong thời gian tới; nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đứng trên bờ vực phá sản.

Tin cùng chuyên mục