Những “món nợ” cho nhiệm kỳ sau

Bội chi cao, nợ công còn lớn, tái cơ cấu kinh tế chậm trễ…, đó là những “món nợ” mà các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này đang kỳ vọng sẽ được giải quyết trong nhiệm kỳ sau.
Những “món nợ” cho nhiệm kỳ sau

Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi điều hành phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội vào cuối tuần trước, đã không khỏi vui mừng khi dù là cuối nhiệm kỳ, nhưng các đại biểu Quốc hội đã rất sôi nổi thảo luận, đi sâu phân tích những mặt chưa được, chưa tốt của nền kinh tế và đề ra giải pháp thực hiện.

Thậm chí, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn “đề nghị” Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ nhiệm kỳ tới phải tập trung giải quyết những điểm yếu của nền kinh tế, mà trong nhiệm kỳ vừa qua, dù có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tập trung nhiều nhất, đó là chuyện bội chi ngân sách còn cao, nợ công còn lớn. Thậm chí, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) còn coi “nợ công đang ở mức báo động cao”. “Sự tích lũy nợ công tăng chóng mặt những năm gần đây cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức nợ công của Chính phủ. Trung bình mỗi năm, tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP, tăng 4% trong năm 2015. Đây là năm kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn”, ông Vinh nói và cho rằng, đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay một cách tràn lan, song đầu tư không đem lại hiệu quả.

“Để kìm hãm tốc độ phi mã của nợ công hiện nay, đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay của các địa phương và các dự án lớn”, ông Vinh đề xuất và cũng không khỏi băn khoăn khi bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP, thậm chí đã lên tới 6,11% trong năm 2015.

“Về lâu dài, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam. Khi nguồn thu không đủ chi sẽ dẫn đến bội chi năm này qua năm khác, không kìm hãm được sẽ không có tiền để trả nợ, mà còn phải tiếp tục vay để trả nợ cũ. Ngân sách không có tiền để đầu tư là điều rất nguy hiểm. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ tới”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thẳng thắn cho rằng, Chính phủ cần giải thích rõ hơn cho cử tri vì sao nợ Chính phủ đã lên tới 50,3%, vượt trần cho phép. “Bội chi ngân sách luôn ở điểm cao, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ ngày càng khó khăn. Chỉ riêng năm 2015, kế hoạch vay nợ đã lên đến 436.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch phát hành trái phiếu là 250.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước đã trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp trong việc huy động vốn”, ông Ngân quan ngại.

Thực tế, nợ công, bội chi ngân sách đã luôn là nỗi đau đáu của các đại biểu Quốc hội thời gian qua. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm bội chi xuống 4,5% GDP, cũng như nợ công xuống thấp, song tình hình thậm chí đã căng thẳng hơn. “Món nợ” này đang được kỳ vọng sẽ được giải quyết ở trong giai đoạn 5 năm tới đây.

Chưa kể, theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), hay đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), tăng trưởng kinh tế cũng là “một vấn đề”. Trong khi ông Trần Hoàng Ngân viện dẫn con số tăng trưởng GDP quý I/2016 ở mức 5,46%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,12%), để nhấn mạnh rằng “việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 là là một thử thách cho Chính phủ nhiệm kỳ mới”, thì ông Bùi Mạnh Hùng đòi hỏi phải đánh giá rõ ràng, thế nào là “tăng trưởng hợp lý”.

“Tôi cho rằng, đánh giá như trên là còn cảm tính. Phải chăng đây là một cách tự an ủi mình khi chúng ta không đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra, đặc biệt, khi chúng ta đã phải chấp nhận nợ công ngày càng cao để duy trì tăng trưởng kinh tế? Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ hợp lý khi sự tăng trưởng đó xuất phát từ chính sức mạnh nội lực của nền kinh tế”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, liên quan tới việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ông Hùng cho rằng, đánh giá đã “đạt được kết quả bước đầu” là đúng, nhưng sau năm 5 năm mới chỉ được đến mức đó thì chỉ là “một sự chuyển biến rất chậm chạp”, thậm chí “là một yếu kém mới đúng”. “Chúng ta đang yêu cầu cần có sự đổi mới thật kịp thời, năng động hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn. 5 năm tới, Chính phủ cần phải có những giải pháp tích cực và kiên quyết hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ này”, ông Hùng kiến nghị.

Liên quan tới một điểm yếu khác của nền kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lại đề cập những “khó khăn, thách thức đang đặt ra cho Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021”. Đó là tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với giai đoạn trước, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, trong khi tiền lương thực tế tăng bình quân 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

“Tăng trưởng kinh tế chậm và chưa bền vững do chủ yếu chúng ta vẫn dựa vào vốn và lao động, chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm chiếm 18,3%, cao hơn các nước trong khu vực. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta là rất thấp”, ông Lợi lo lắng.

Tin cùng chuyên mục