Oằn mình gánh phí

(BĐT) - Hội thảo “Cơ hội và thách thức khi hội nhập” vừa được tổ chức tại TP.HCM ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) than thở về việc họ đang phải oằn mình gánh các loại phí cao ngất ngưởng một cách bất hợp lý.
Chi phí logistics mỗi năm của Việt Nam tương đương khoảng 25% GDP. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí logistics mỗi năm của Việt Nam tương đương khoảng 25% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Phí chồng phí

Theo báo cáo của Hiệp hội Da - Giày Việt Nam, phụ phí hoạt động xuất nhập khẩu da giày của gần 500 DN thành viên Hiệp hội ước tính lên tới 110 triệu USD/năm,  tương đương khoảng 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn ngành da, giày. Điều đáng nói là theo phản ánh của nhiều DN thuộc Hiệp hội, việc thu phụ phí tại một số cảng đang không tuân theo thông lệ quốc tế và bị áp đặt từ phía các chủ tàu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, các loại phụ phí được cấu thành bởi nhiều chi phí thành phần khác nhau như: phí vận tải, phí xếp dỡ, phí lưu kho bãi, cảng phí và hải quan, phí đóng gói; trong đó, phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 58% tổng chi phí, phí xếp dỡ chiếm 21%, phí lưu kho bãi chiếm 10%, phí đóng gói chiếm 8%, cảng phí và phí hải quan chiếm 3%.

Ngoài các loại phí nêu trên, nhiều hiệp hội ngành hàng bày tỏ bức xúc đối với việc họ đang bị chủ tàu thu thêm quá nhiều loại phụ phí khác như: phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC/CIS), phí tắc nghẽn cảng (PSC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, lưu bãi, phí cầu đường, phí hóa đơn… Các loại phụ phí này tăng theo thời gian, không có lộ trình và không có sự thỏa thuận nào giữa chủ hàng và chủ tàu.

Theo phản ánh của nhiều DN, việc thu phụ phí tại một số cảng đang không tuân theo thông lệ quốc tế và bị áp đặt từ phía các chủ tàu
Ông Lê Hải Hà, chủ một DN logicstic tại TP.HCM than thở: “Các loại phí quá cao, không có sự điều chỉnh phù hợp đang kiềm chế sự phát triển của DN và làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam”.

Có chung suy nghĩ, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM đã phải thốt lên: “Chúng tôi nhận thấy sự phi lý trong việc các DN, nhất là các DN xuất nhập khẩu, đang phải oằn mình gánh các loại phí cao ngất ngưởng. Đây là lý do khiến sức cạnh tranh của DN ngày càng yếu”.

Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho biết, tổng chi phí logistics mỗi năm của Việt Nam đang ở mức khá cao, tương đương khoảng 25% GDP; trong khi Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8% và Mỹ là 7,7%.

Tiết giảm chi phí kho bãi

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay đội tàu biển Việt Nam tuy đã đảm nhận gần như toàn bộ thị phần vận chuyển hàng nội địa bằng đường biển, nhưng đối với vận tải hàng xuất nhập khẩu và quốc tế, tỷ lệ thị phần mới chỉ đạt khoảng 10 - 12%. Như vậy, gần 90% thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu của DN Việt phụ thuộc vào chủ tàu quốc tế. Điều này lý giải vì sao DN Việt Nam lại phụ thuộc vào các chủ tàu và hoàn toàn bị động khi các chủ tàu áp phí.

Bộ GTVT cho rằng, để giảm chi phí xếp dỡ cho DN, hệ thống cảng biển cần phải được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, giúp giảm bớt chi phí vận tải. Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật xếp dỡ; nâng cao năng lực xếp dỡ để giảm thời gian xếp dỡ, tiếp kiệm chi phí lưu kho bãi và cảng phí cũng là giải pháp cần phải tính tới.

Liên quan đến việc tiết giảm chi phí kho bãi, một loại phí đang gây bức xúc cho nhiều DN vì mức thu quá cao, Bộ GTVT cho biết, thời gian tới sẽ xem xét xây dựng trung tâm logistics tại các cảng trọng điểm; đầu tư xây dựng hệ thống cảng mở để giảm bớt các chi phí về kho bãi cho DN.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những giải pháp nêu trên đều mang tính dài hạn. Việc cần làm ngay lúc này là cơ quan quản lý phải sớm xây dựng khung phí và phụ phí phù hợp để hỗ trợ các DN đặc biệt là DN xuất nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục