Phát triển cụm công nghiệp ô tô: Lối thoát khi thuế về 0%?

(BĐT) - Tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/8, nhiều chuyên gia cho rằng cần phát triển cụm công nghiệp ô tô và cụm công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp ô tô sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ đầu năm 2018 khi xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam có thuế suất 0%. Ảnh: Lê Tiên
Ngành công nghiệp ô tô sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ đầu năm 2018 khi xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam có thuế suất 0%. Ảnh: Lê Tiên

Giảm thiểu chi phí, tăng sức cạnh tranh

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, chủ trương và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng đến nay ngành này vẫn trong tình trạng loay hoay, kém phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường nhỏ, sức mua thấp trong khi lại thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ giao các bộ, ngành tập trung nghiên cứu các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất ô tô, từng bước đưa ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng gói chính sách để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong đó có vấn đề giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp nhằm tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo bà Tuệ Anh, để giảm chi phí thì không chỉ phụ thuộc vào các chính sách trực tiếp, mà còn các vấn đề khác như hình thành các cụm ngành, trong đó có cụm công nghiệp ô tô và cụm công nghiệp hỗ trợ.

Bà Tuệ Anh cho biết, nhiều quốc gia đã thành công trong phát triển cụm công nghiệp ô tô. Không chỉ đối với ngành ô tô mà rất nhiều ngành khác đã và đang được sử dụng mô hình này để ưu tiên phát triển.

“Ở Việt Nam khái niệm cụm ngành đã không còn mới, thậm chí đã nói vấn đề này lâu rồi nhưng đến nay chưa có bất kỳ chính sách nào và cũng chưa làm được gì đối với cụm ngành nói chung và cụm ngành ô tô nói riêng”, bà Tuệ Anh nói. Trong khi đó, sự phát triển của cụm ngành ô tô sẽ tạo liên kết giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy sự chuyên môn hoá, qua đó sẽ giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch phát triển cụm công nghiệp ô tô. “Không phải vấn đề quá “nóng” nhưng là hướng tiếp cận cần được xem xét cho tầm nhìn phát triển lâu dài”, bà Thuý khẳng định.

Theo bà Thuý, cần phải có doanh nghiệp đầu đàn thu hút doanh nghiệp vệ tinh xung quanh tạo thành sự tích tụ công nghiệp, từ đó thu hút thêm các cơ quan nghiên cứu, thúc đẩy thêm sự đầu tư hạ tầng để hoàn thành cụm công nghiệp. Quá trình phát triển công nghiệp ô tô Nhật Bản đi đúng theo mô hình này.

Tuy nhiên, vấn đề “đau đầu” hiện nay, theo bà Thuý, đó là quy mô thị trường nhỏ chưa tạo năng lực cho công nghiệp  hỗ trợ của Việt Nam phát triển. Cùng một thiết bị nếu doanh nghiệp đầu tư ở Thái Lan  - thị trường có quy mô lớn hơn thì chi phí sẽ giảm được hơn. Đây là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất ô tô Thái ở Thái thấp hơn ở VN.

Bà Thúy nhấn mạnh, sắp tới ngành công nghiệp ô tô sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ đầu năm 2018 khi mà xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam có thuế suất bằng 0%. 

Ô tô “Made in Vietnam” chịu nhiều sức ép

Trưởng ban Chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Phạm Anh Tuấn cho rằng Việt Nam có thị trường tiềm năng lớn. Với thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh chóng, chắc chắn, nhu cầu sử dụng ô tô cũng sẽ tăng lên.

Việt Nam có nhu cầu cao và tiềm năng lớn về thị trường ô tô nhưng tại sao người dân chưa mua xe nhiều? Ông Tuấn lý giải vì giá cả đắt đỏ, đủ các loại thuế và chính sách hạn chế ô tô, trong khi đó nếu chính sách và thuế ổn định thì tiêu thụ xe tốt hơn. Cũng theo vị này, ngành công nghiệp ô tô đang trong tình trạng khó khăn khi chưa phát triển đã phải mở cửa thị trường.

“Vì sản lượng nhỏ và tỷ lệ nội địa hoá thấp, chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe được sản xuất ở Thái Lan. Thậm chí, xe nhập từ Thái Lan đã bao gồm chi phí đóng gói vận chuyển vẫn thấp hơn xe sản xuất ở Việt Nam khi thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018”, ông Tuấn phân tích.

Cụ thể, so với Thái Lan, Indonesia, sản lượng của Việt Nam thấp hơn từ 4 - 5 lần, trong khi đó ngành công nghiệp ô tô lại thường xuyên bị biến động do những thay đổi liên tục về chính sách thuế, phí.

Đại diện VAMA cũng kiến nghị mong chính sách ổn định, tránh điều chỉnh thuế liên tục, gây ảnh hưởng đến thị trường, kéo theo việc sản xuất bị tác động. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi với nhà sản xuất trong nước để họ có đủ năng lực cạnh tranh cần thiết.

Trong khi đó, ông Vũ Quang Long -  đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, mặc dù đa số người dân chưa có ô tô, nhưng hiện nay nhà quản lý sợ ô tô nhiều quá tắc đường nên đưa ra các loại thuế, phí để hạn chế. “Vậy thì sao công nghiệp ô tô phát triển được?”, vị này băn khoăn. Bên cạnh đó, đại diện Thaco cũng cho biết, hiện cảng biển ở Quảng Nam chưa hoàn thiện nên việc vận chuyển linh kiện, phân phối xe đi các miền của cả nước rất tốn kém do chi phí logistics ở Việt Nam đắt đỏ, chẳng hạn như chi phí vận chuyển một chiếc xe từ Hải Phòng về Hà Nội mất tới 3 - 4 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục