Phí BOT được ban hành trên cơ sở nào?

Ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã có lý giải cụ thể cho câu hỏi này tại cuộc họp báo quý I-2016 của Bộ Tài chính tổ chức vừa qua.
Từ năm 2016 trở đi mức thu BOT được áp dụng tối đa của khung. Ảnh: internet
Từ năm 2016 trở đi mức thu BOT được áp dụng tối đa của khung. Ảnh: internet

Không vượt khung

Theo ông Huy, việc ban hành các Thông tư thu phí đối với các dự án xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) được thực hiện theo Pháp lệnh Phí và lệ phí.

Đối với các dự án BOT quốc lộ, việc đầu tư dự án thực hiện theo Luật Giao thông vận tải và các Nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng các dự án BOT,…

Trên cơ sở các quy định đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng hợp đồng, trong đó có mức thu phí, trạm thu phí, thời gian hoàn vốn của từng dự án và báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét ký kết.

Sau khi dự án được hoàn thành, nhà đầu tư sẽ có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dựa vào nội dung trong hợp đồng BOT và Bộ Giao thông vận tải sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định cụ thể.

Từ đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Thông tư quy định mức thu phí với từng dự án cụ thể, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, các địa phương liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính sau đó chính thức ban hành.

Giải thích thêm quy định về mức thu phí và lộ trình điều chỉnh tăng mức thu, đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết: Nội dung này được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, trong đó có quy định khung mức thu phí và lộ trình điều chỉnh.

Cụ thể: Khung mức phí đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 15.000 - 52.000 đồng/vé/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 20.000 - 70.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 25.000 - 87.000 đồng/vé/lượt; xe  tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 fit là 40.000 - 140.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit là 80.000 - 200.000 đồng/vé/lượt.

Về lộ trình áp dụng, Thông tư quy định: Năm 2014 áp dụng mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức thu tối thiểu khung; năm 2015 áp dụng mức thu tối đa không quá 3 lần mức thu tối thiểu khung. Từ năm 2016 trở đi mức thu tối đa của khung.

Định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức thu phí bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí.

Được nhiều hơn mất

Trước đó, trao đổi về những ý kiến cho rằng mức phí đường bộ ngày càng cao mặc dù các phương tiện lưu thông đã phải nộp phí bảo trì hàng năm, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho rằng, với các dự án đường bộ, người sử dụng được hưởng lợi ích nhiều hơn so với chi phí bỏ ra.

Phân tích, đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết: Những năm qua, kết cấu hạ tầng đường bộ đã được cải thiện đáng kể. Được sự quan tâm của Nhà nước, vốn đầu tư dành cho việc xây mới, cải tạo và nâng cấp đường bộ được tăng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế còn khiêm tốn.

Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển giao thông đường bộ là một chủ trương lớn và cần thiết của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm nay.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Luật Giao thông đường bộ cũng như Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển giao thông đường bộ. Trên thực tế, chúng ta đã huy động được hàng trăm nhà đầu tư bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống đường bộ; hay xây dựng hàng nghìn cây số đường bộ, trong đó có 700km đường cao tốc (cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM- Dầu Giây Trung Lương...) hoặc các cây cầu lớn... Như vậy, hệ thống giao thông đường bộ đã có những cải thiện đáng kể.

Việc hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện, như tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông và trong đó, người dân và các doanh nghiệp được hưởng lợi ích rõ rệt nhất.

Để có được hệ thống giao thông đường bộ như hiện nay, có hàng trăm nhà đầu tư đã bỏ vốn ra hàng trăm nghìn tỷ đồng. Khi nhà đầu tư bỏ vốn, thì họ phải có phương án thu hồi lại số vốn này và rõ ràng người dân được sử dụng dịch vụ tốt hơn. Đây cũng là thông lệ chung mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Tin cùng chuyên mục