Quảng Ninh chủ động thu hút nguồn lực tư nhân làm cao tốc

(BĐT) - Trong tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh Bắc Bộ, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh là dài nhất, nhưng lại đang được triển khai thuận lợi, không có nhiều vướng mắc. Một trong những lý do là Quảng Ninh đã sớm chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng. 
Quốc lộ 18A được mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Ảnh: Lê Tiên
Quốc lộ 18A được mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xung quanh câu chuyện này. 

Quảng Ninh có quan điểm như thế nào về việc đầu tư tuyến đường bộ ven biển, thưa ông?

Trong quy hoạch phát triển tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đi Thanh Hóa, trên địa bàn Quảng Ninh, toàn bộ tuyến đường ven biển này trùng với tuyến đường cao tốc của tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sắp đầu tư.

Đây là tuyến đường kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế động lực phía Bắc và kết nối cả với các nước trong khu vực, đặc biệt là đẩy mạnh kết nối song phương với Trung Quốc. Sau khi toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc ven biển được đầu tư hoàn thành đồng bộ và đưa vào khai thác sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của cả khu vực duyên hải Bắc Bộ; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển; tạo không gian phát triển và liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung; tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực.

Tuyến đường này có vị trí chiến lược rất quan trọng, tỉnh Quảng Ninh rất chủ động trong thu hút nguồn lực đầu tư.

Quảng Ninh chủ động thu hút nguồn lực tư nhân làm cao tốc ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Long
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đánh giá rất cao sự năng động, chủ động của Quảng Ninh trong việc xây dựng hệ thống đường cao tốc. Xin ông cho biết, Quảng Ninh đã có giải pháp đặc biệt gì để thu hút thành công nguồn vốn rất lớn cho các dự án này?

Quảng Ninh xác định hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong các đột phá chiến lược của Tỉnh. Từ trước đến nay, kết nối của Quảng Ninh với Hà Nội, Hải Phòng chỉ qua Quốc lộ 18A và Quốc lộ 10, đây là một trong những điểm nghẽn của Tỉnh.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh xác định Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là 2 điểm đột phá trong chiến lược phát triển, tăng trưởng dịch vụ, phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu dịch vụ đi đầu và là một trong những đầu tàu của các tỉnh phía Bắc.

Với mục tiêu này, Quảng Ninh đã sớm xác định phải huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển vì ngân sách không thể đáp ứng đủ. Nhằm tiết kiệm ngân sách, Tỉnh đã chủ động đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để Quảng Ninh huy động nguồn lực đầu tư cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường này trong quy hoạch trước đây chưa có, nhưng Tỉnh đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tỉnh Quảng Ninh đã dành một phần ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư cho tuyến đường 25 km này, trong đó có cầu Bạch Đằng làm theo hình thức BOT với nguồn lực của nhà đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng, đường nối 20 km từ cầu Bạch Đằng đến TP. Hạ Long khoảng 6.500 tỷ đồng. Đây là con đường chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai, nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2017 cơ bản sẽ xong.

Chúng tôi cũng đã huy động nguồn lực thực hiện Dự án Đường cao tốc nối từ Hạ Long ra Vân Đồn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18A từ 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn từ Hạ Long đi Mông Dương. Dự án có tổng nguồn vốn khoảng 14.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, nguồn lực giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh khoảng trên 2.500 tỷ đồng. Tuyến đường cao tốc này dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

Như vậy, cuối năm 2017 có thể hoàn thành xong 85 km đường cao tốc từ Hải Phòng đến Hạ Long và từ Hạ Long đến Vân Đồn, chỉ còn đoạn tuyến từ Vân Đồn đến Móng Cái cần phải đầu tư trong thời gian tới. Căn cứ theo quy hoạch về mạng lưới đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh cũng đã xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối Vân Đồn với Móng Cái dài khoảng 80 km, quy mô 4 làn xe. Hiện nay một số nhà đầu tư đã đề xuất với Tỉnh, Tỉnh đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Nghĩa là còn khoảng 80 km đường cao tốc nữa sẽ phải hoàn thành từ nay đến năm 2020, nguồn lực đầu tư được Tỉnh tính toán thế nào, thưa ông?

Đối với đoạn Vân Đồn - Móng Cái, chúng tôi đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, lập đề xuất đầu tư Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức PPP (hợp đồng BOT). Hiện nay, Tỉnh đang tổ chức thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án.

Tổng vốn đầu tư của dự án này là 16.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến giải phóng mặt bằng khoảng 2.500 tỷ đồng. Hiện nay ngân sách tỉnh đang tập trung nguồn lực để đầu tư dứt điểm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không Quảng Ninh, các dự án động lực trong Khu kinh tế Vân Đồn… Vì vậy, để có nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc từ Hạ Long đi Móng Cái, UBND Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh 1.800 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho các đoạn tuyến đi ven biển thuộc Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, phần còn lại Tỉnh sẽ bố trí. Chi phí đầu tư sẽ huy động nguồn lực tư nhân.

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến quý III năm nay có thể lựa chọn nhà đầu tư và phấn đấu hoàn thành dự án này trước năm 2020. 

Ông có thể phác họa diện mạo hạ tầng giao thông của Quảng Ninh sau khi các tuyến đường cao tốc ven biển hoàn thành?

Đến năm 2020, khi tuyến đường cao tốc ven biển đoạn qua địa bàn Quảng Ninh được hoàn thành sẽ kết hợp với các tuyến giao thông trọng điểm khác trong khu vực, hình thành một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng, kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc, giảm tải lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 18, rút ngắn thời gian lưu thông từ các tỉnh ven biển đến Đặc khu kinh tế Vân Đồn, các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu…, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cầu nối quan trọng và tạo động lực phát triển toàn diện của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc…

Tuyến đường này cùng với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hoàn thành trong thời gian tới cũng sẽ là tiền đề rất quan trọng cho việc hình thành Đặc khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cùng với Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Tin cùng chuyên mục