Tăng cường trách nhiệm quản lý đầu tư công

(BĐT) - Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi Luật Đầu tư công, mới đây, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong đầu tư công.
Cần hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ảnh: Lê Tiên
Cần hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ảnh: Lê Tiên

Quy định pháp lý chưa đồng bộ

Qua rà soát các quy định pháp luật về đầu tư công, Bộ Tư pháp cho rằng, sự lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn kèm theo là do luật này lần đầu tiên được ban hành và áp dụng, vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế cần được hoàn thiện. Các văn bản hướng dẫn kèm theo chưa thống nhất và đồng bộ, dẫn tới cách hiểu và cách tiếp cận của các bộ, cơ quan, địa phương còn khác nhau.

Theo Bộ Tư pháp, với mục đích kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí, dàn trải, Luật Đầu tư công đã quy định nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ với sự liên quan của nhiều cơ quan, tổ chức. Trong một số trường hợp, điều này đã gây ra sự bất cập về đáp ứng thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định cũng như hoàn thiện phương án phân bổ, bố trí vốn cho từng dự án ở các bộ, cơ quan, địa phương. Việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan, địa phương, bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, kéo dài thời gian thực hiện dự án, bố trí vốn dàn trải…

Bộ Tư pháp nhận định, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về đầu tư công là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Tăng cường trách nhiệm

Theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công như: Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP… Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục tổng hợp các kiến nghị vướng mắc của các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật đối với một số vướng mắc không thể giải quyết bằng nghị định.

Bộ Tư pháp cho rằng, thể chế pháp luật về đầu tư công cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong đầu tư công; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công nhưng đảm bảo tính chặt chẽ, không tạo kẽ hở để bị lợi dụng làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công...

Tin cùng chuyên mục