Tạo đột phá trong Luật PPP để đón vốn đầu tư nước ngoài

(BĐT) - Tại Hội thảo “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?” diễn ra sáng 13/5, nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài hậu Covid-19 đang có xu hướng định hình lại, Việt Nam cần sớm có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với những quy định đột phá để thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện hạ tầng, tạo lực đẩy, giúp nền kinh tế phát triển nhanh trong thời gian tới.
Dự thảo Luật PPP quy định theo hướng các nội dung quy định trong Luật phải cụ thể hóa trong hợp đồng, và hợp đồng chính là luật điều tiết tất cả quyền, nghĩa vụ của các bên trong dự án PPP. Ảnh: Tường Lâm
Dự thảo Luật PPP quy định theo hướng các nội dung quy định trong Luật phải cụ thể hóa trong hợp đồng, và hợp đồng chính là luật điều tiết tất cả quyền, nghĩa vụ của các bên trong dự án PPP. Ảnh: Tường Lâm

Cần chính sách đột phá

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, đại diện nhiều tổ chức quốc tế nhấn mạnh, việc thúc đẩy tư nhân đầu tư vào hạ tầng song song với đầu tư công là rất quan trọng. Luật PPP như thế nào có ý nghĩa rất lớn tác động đến hiệu quả thu hút dòng vốn tư nhân trong tương lai, hướng đến nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Ông Đào Việt Dũng, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng, nếu đã xác định thu hút đầu tư tư nhân là một chủ trương lớn thì cần có định hướng rõ ràng. Lấy ví dụ, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, đặt ra chủ trương rất rõ để thu hút tư nhân. Do đó, chuyên gia của ADB nhận định, đầu tư hạ tầng theo PPP cũng cần chính sách mạnh mẽ, đột phá. 

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng đánh giá, phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, luật pháp về PPP cũng phải đạt được yêu cầu đột phá để thúc đẩy chiến lược đó, đừng để đầu tư PPP cũng rắc rối về thủ tục. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tinh thần xây dựng Luật PPP trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam có cơ hội đón dòng dịch chuyển vốn nước ngoài, Luật PPP càng cần có đột phá để cạnh tranh thắng lợi trong lĩnh vực này. 

Kỳ vọng tháo nhiều nút thắt

Một trong những quan ngại lớn nhất được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa ra là thay đổi pháp luật gây rủi ro cho dự án PPP. Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore cho biết, việc thực thi quyền của nhà đầu tư tư nhân theo hợp đồng dự án PPP có khả năng gặp nhiều trở ngại do những thay đổi của luật pháp trong tương lai, các loại giấy phép phát sinh và văn bản hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành sau khi ký kết hợp đồng. Theo đại diện các tổ chức này, cần nêu rõ trong Luật PPP quy định hợp đồng PPP được ưu tiên áp dụng khi có những thay đổi về pháp lý.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam thì khuyến nghị các giải pháp đảm bảo sự sẵn sàng, kịp thời phần vốn nhà nước tham gia vào dự án. Theo hai hiệp hội này, quy trình phân bổ vốn nhà nước cho các dự án PPP sẽ vẫn tuân theo Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, vốn đầu tư công của dự án PPP phụ thuộc vào cấu trúc tài chính và các rủi ro của dự án, và do vốn đầu tư công chỉ được quyết định sau khi nhà đầu tư được lựa chọn nên phải mất một thời gian dài để đảm bảo ngân sách cho hỗ trợ từ Chính phủ theo quy trình hiện tại của Chính phủ Việt Nam, điều này có thể kéo dài thời gian trong việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Hai hiệp hội trên cho rằng, việc thành lập quỹ riêng cho phát triển, hỗ trợ các dự án PPP là rất hữu ích nhằm đảm bảo ngân sách linh hoạt hơn, giảm rủi ro cho dự án khi vốn nhà nước không được bố trí kịp thời. Trong trường hợp không thành lập được quỹ, theo JCCI, cần cân nhắc các biện pháp nhằm đảm bảo một ngân sách linh hoạt để khắc phục các khó khăn nêu trên.

Bên cạnh đó, tổng hợp ý kiến từ nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài, ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội, cho biết, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá các điều kiện của Dự thảo Luật quá chặt, mang tính thuận lợi hơn cho khu vực công, khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn và có một số điều kiện để được chia sẻ giảm thu sẽ khó có thể chứng minh được trên thực tế…

Cũng theo ông Lâm, các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị kiểm toán tuân thủ chỉ nên áp dụng đối với khu vực công, chứ không phải cho các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án. Cần nêu rõ khi nào Kiểm toán Nhà nước sẽ được tiến hành kiểm toán; việc định giá tài sản khi chuyển giao cho Nhà nước nên được thực hiện bởi kiểm toán độc lập. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm tra sau đó các kết quả định giá là một phần của kiểm toán tuân thủ.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, trong thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc những vấn đề mà nhà đầu tư khuyến nghị để đưa vào Dự thảo Luật. Trong đó, quan điểm các bên tham gia hợp đồng phải tôn trọng hợp đồng là rất đúng đắn và Dự thảo Luật PPP quy định theo hướng các nội dung quy định trong Luật phải cụ thể hóa trong hợp đồng, và hợp đồng chính là luật điều tiết tất cả quyền, nghĩa vụ của các bên trong dự án PPP cụ thể. Một số vấn đề khác còn chưa nhận được sự đồng thuận của một số cơ quan quản lý ngành nên chưa thiết kế được như khuyến nghị, mong muốn của nhà đầu tư, ví dụ vấn đề hình thành quỹ cho dự án PPP, hạn mức bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, chia sẻ rủi ro tỷ giá...

Từ nay đến khi Quốc hội xem xét thông qua Luật, Bộ KH&ĐT và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức tọa đàm để lắng nghe, thu thập thêm các ý kiến đóng góp.

Tin cùng chuyên mục